Công nghiệp điện tử hấp dẫn dòng vốn FDI

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đến nay, ngành công nghiệp điệu tử Việt Nam đã thu hút hơn 10 tỉ USD vốn FDI với các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel.

Sức hấp dẫn của công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay vẫn chính là các nhà máy sản xuất điện thoại di động quy mô lớn, trong đó Samsung là lớn nhất với hai nhà máy có vốn đầu tư 2,5 tỉ USD ở Bắc Ninh và 2 tỉ USD ở Thái Nguyên. TPHCM cũng thu hút Tập đoàn Samsung với dự án xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện tử tại Khu Công nghệ cao. Đây là nhà máy thứ ba của Samsung tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 1 tỉ USD.

Sau khi nhà máy ở Thái Nguyên của Samsung đi vào hoạt động, các nhà đầu tư vệ tinh cũng đã tìm đến tỉnh này. Hàng trăm triệu USD đã được các nhà sản xuất linh kiện điện tử đầu tư ở Thái Nguyên, Hải Phòng… Và đương nhiên, hầu hết các nhà máy sản xuất linh kiện vệ tinh này cũng đến từ dòng vốn của FDI.

Ảnh minh họa.

Với tốc độ tăng trưởng kim ngạch và thị phần xuất khẩu điện tử lớn nhất khu vực ASEAN, Việt Nam đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và thứ 3 trong ASEAN năm 2014. Sản lượng điện tử của Việt Nam năm 2013 chỉ thua kém Thái Lan, Singapore và Malaysia.

Đặc biệt, với xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam của các tập đoàn điện tử lớn trong thời gian gần đây nhằm tận dụng các ưu đãi về thuế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia như TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)... Theo đó, các quy định về quy tắc xuất xứ của TPP hay AEC buộc các nhà đầu tư muốn tận dụng cơ hội thâm nhập thị trường ASEAN và TPP phải đầu tư vào Việt Nam ở những giai đoạn chuyên sâu hơn, chuyển giao công nghệ để đạt tỷ lệ nội địa hóa cao.

Tuy nhiên, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Việt Nam cũng gặp phải một số thách thức không nhỏ khi ngành công nghiệp điện tử mới chỉ dừng ở mức độ gia công, gây khó khăn trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ trong AEC và TPP.

Doanh nghiệp điện tử trong nước chưa đóng góp nhiều trong chuỗi cung ứng hàng điện tử. Cụ thể như vừa qua, Samsung Việt Nam cho biết, trong số 80 doanh nghiệp vệ tinh đang cung cấp linh kiện, phụ kiện, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho Samsung chỉ dưới 10%, đặc biệt lại chủ yếu cung ứng in ấn và bao bì, phần hưởng giá trị gia tăng thấp nhất, không tiếp thu được công nghệ cao, không có sức lan tỏa tới nền kinh tế.

Một khó khăn nữa là mức độ cạnh tranh trong thu hút FDI từ một số quốc gia trong khu vực. Các nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm đầu tư sang các nước khác khi thời gian ưu đãi đầu tư kết thúc.

Vì vậy, để tăng cường thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp điện tử, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng phải xây dựng chính sách khoa học công nghệ nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp, ký kết hợp đồng hợp tác công nghệ với các doanh nghiệp điện tử ở những quóc gia có thế mạnh (Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc), liên kết giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp, lựa chọn sản phẩm và lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên.

Bên cạnh đó, chúng ta cần quy hoạch các cụm công nghiệp điện tử nhằm thu hút đầu tư; tiến hành hoạt động R&D trong lĩnh vực điện tử với nguồn kinh phí từ ngân sách hoặc kêu gọi kết hợp đầu tư từ các tập đoàn điện tử lớn có mặt tại Việt Nam như Samsung, Intel, Sony, Canon; lựa chọn sản phẩm chiến lược để đầu tư nghiên cứu; đào tạo nguồn nhân lực theo hướng thực hành…

Luật sở hữu trí tuệ cần được xây dựng chặt chẽ, quy định thời hạn bảo hộ các sản phẩm điện tử dài để các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm đầu tư, chuyển giao công nghệ và phát triển sản phẩm.

Nguồn www.chinhphu.vn