CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Nhìn đâu cũng thấy… “độc”!

(NTO) Có thể nói, gần đây vấn đề an toàn thực phẩm đã được nhiều người quan tâm. Có lẽ, một phần do các phương tiện truyền thông đã thông tin kịp thời những vụ việc ngộ độc thực phẩm, có nơi lên đến hàng ngàn người trong một lúc. Ngay cả đám cưới được cho là khá an toàn về vệ sinh thực phẩm bởi không gia đình nào khi tổ chức lại muốn người thân quen của mình bị… ngộ độc cả!. Ấy vậy mà cũng xảy ra ở nơi này, nơi khác, chủ yếu là do cơ sở nhận nấu nướng, phục vụ sử dụng thực phẩm “bẩn” để kiếm lợi; cũng có trường hợp do “thúc ép” bởi cạnh tranh nên nhận đặt tiệc với giá trị thấp nhưng gia chủ lại đòi… chất lượng cao, nhiều món nên đã xảy ra cớ sự như vậy. Đúng là như dân gian đã tổng kết “tiền nào thì của nấy” mà thôi!. Một trong những lý do khác là cũng có nhiều trường hợp bị ung thư xuất phát từ ăn uống mà ra...

 
Ngành chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Trước đây, nhiều người tiêu dùng đã khá cảnh giác với thịt heo “siêu nạc”, chăn nuôi heo “siêu tốc” do sử dụng thức ăn có trộn các chất cấm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người… thì gần đây lại “rộ” lên chuyện trái cây “chính hiệu” trong nước sử dụng hóa chất để tạo màu đẹp, chín nhanh, lại lâu hư hỏng. Ngay cả chuối- loại quả bốn mùa và tiêu thụ mạnh do có nhiều chất dinh dưỡng, giá rẻ và quan trọng nhất là “gắn bó” với mọi người bởi sự tiện dụng. Chẳng hạn như ngày rằm, mùng một mua về “đơm” trên bàn thờ, vài ngày sau chuối chín, có thể chế biến sử dụng cho cả nhà. Tâm lý chung còn cho rằng chuối… sạch do có vỏ và chỉ cần ăn tới đâu, bóc ra tới đó nên rất… sạch. Ấy vậy mà, một số người bán đã cố tình sử dụng thuốc trừ cỏ 2,4D để ngâm chuối (các loại) làm cho trái chuối thoạt nhìn tươi ngon hơn, cứng hơn, mà còn có thể bảo quản được lâu hơn… mà không nghĩ rằng đây là loại hóa chất độc hại, cấm dùng trong thực phẩm, rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Theo các chuyên gia, trong chất diệt cỏ có dioxin (chất độc da cam) nếu ăn phải chất này trong chuối thì bị nhiễm dẫn đến những hậu quả khó lường. Theo cơ quan chức năng, không phải bây giờ mà trước đây chất này đã được người bán sử dụng để làm chín một số loại trái cây như cam, sầu riêng, tạo ra mẫu mã đẹp, vỏ cam căng mịn, vỏ sầu riêng vàng đều…

Từ vụ việc này đã thêm một lần cảnh báo về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là làm cho phần lớn người tiêu dùng hình thành tâm lý hoài nghi, nhìn đâu cũng có cảm giác sản phẩm nông nghiệp bị nhiễm… độc bởi khó có thể phân biệt đâu là sản phẩm sạch đúng nghĩa ngoại trừ người trực tiếp làm ra!. Có không ít người bức xúc cho rằng, vấn đề phân biệt thực phẩm sạch hay không chưa quan trọng bằng việc quản lý như thế nào, xử lý ra sao… để tránh tình trạng “con người tự đầu độc nhau”, hơn thế nữa là đến một lúc nào đó người tiêu dùng sẽ quay lưng với người sản xuất để sử dụng sản phẩm ngoại nhập an toàn hơn trong thị trường mở mà nước ta đã ký kết với nhiều nước trên thế giới. Suy cho cùng, đừng vì lợi nhỏ mà dẫn đến thiệt hại lớn cho người sản xuất trong nước.