Khó khăn trong cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm

(NTO) Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là việc làm hết sức quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý ATVSTP. Theo phân cấp, ngành Y tế có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, việc làm này gặp nhiều khó khăn và hạn chế, nhất là đối với tuyến huyện, thành phố.

Theo thống kê, trong số 675 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP trong toàn tỉnh (trong đó cấp tỉnh quản lý 62 cơ sở, cấp huyện quản lý 613 cơ sở), chỉ có 74 cơ sở được cấp giấy chứng nhận, gồm 49 cơ sở do Chi cục ATVSTP tỉnh cấp và 25 cơ sở do Trung tâm Y tế huyện, thành phố cấp. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chỉ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho 15 cơ sở.

 
Ngành chức năng kiểm tra arvstp tại các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến số lượng cơ sở được cấp giấy chứng nhận quá ít là do cơ quan thẩm quyền tại các địa phương chưa tích cực, chủ động trong công tác này. Được biết, trước năm 2015, Bộ Y tế chưa có văn bản nào phân cấp rõ việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do cấp huyện quản lý. Tuy nhiên, để góp phần giúp các địa phương quản lý tốt việc thực hiện ATVSTP của các cơ sở, Chi cục ATVSTP đã tham mưu với lãnh đạo Sở Y tế cho phép Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thực hiện công tác này. Nhưng các trung tâm triển khai thực hiện còn chậm; hầu hết chưa chủ động trong việc vận động, hướng dẫn các cơ sở làm thủ tục đăng ký. Từ tháng 2-2015, việc cấp giấy chứng nhận được thực hiện theo Thông tư 47 của Bộ Y tế. Thông tư nêu rõ, UBND các huyện, thành phố (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quản lý và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do UBND các huyện, thành phố cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy dưới 200 suất ăn/lần phục vụ. Tuy nhiên, mãi đến tháng 7-2015, Sở Y tế mới ra quyết định ban hành “Hướng dẫn phân cấp quản lý ATVSTP thuộc lĩnh vực ngành Y tế”, do đó việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các cơ sở ở tuyến huyện chậm. Cá biệt tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm là địa bàn có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, tuy nhiên do chưa có sự thống nhất về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nên từ đầu năm đến nay, thành phố chưa cấp được giấy chứng nhận cho cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nào.

Bên cạnh nguyên nhân từ phía ngành chức năng, còn có nguyên nhân từ phía các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống. Hầu hết các cơ sở kinh doanh thuộc tuyến huyện có quy mô nhỏ lẻ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ không bảo đảm điều kiện ATVSTP, quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, bày bán thức ăn, đồ uống bảo quản chưa theo đúng quy trình; chủ cơ sở, người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa có giấy xác nhận kiến thức về ATVSTP, kết quả khám sức khỏe… Ngoài ra, tại các địa phương, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phần lớn là hàng quán thức ăn đường phố, còn có nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ như căn tin trường học, bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống phục vụ đám tiệc… tất cả đều không có giấy phép kinh doanh nên không thể cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP.

Bà Mai Thị Phương Ngọc, Trưởng Chi cục ATVSTP, cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do tuyến huyện quản lý, hiện ngành Y tế đang phối hợp với chính quyền các huyện, thành phố tiến hành rà soát các sơ sở đã được cấp giấy chứng nhận kinh doanh mà chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP để hướng dẫn các cơ sở hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở. Ngoài ra, nhằm tạo sự thống nhất trong việc phân cấp quản lý công tác này, Chi cục cũng đã tham mưu với Sở Y tế kiến nghị UBND tỉnh ban hành quyết định phân cấp cho UBND các huyện, thành phố thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do địa phương quản lý. Riêng với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hàng quán thức ăn đường phố, căn tin trường học, bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống phục vụ đám tiệc… không có giấy phép kinh doanh sẽ thực hiện cam kết bảo đảm các quy định ATVSTP trong quá trình hoạt động. Ngoài ra, các ngành chức năng và địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những cơ sở không chấp hành quy định về ATVSTP nhằm nâng cao ý thức cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện các quy định ATVSTP, góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân.