Vậy là được dịp để chị “giải” cảnh “tức không nói được”: Đàn ông như các chú vô tâm, quan tâm chi đến việc con cái đâu, chị nói là nói cái việc phân luồng, phân tuyến các trường học, các cháu không được chọn trường học mà trường chọn các cháu, chú thấy ngược chưa? Thế rồi chị cho biết: Cả tuần nay, chị nhờ đủ chỗ quen biết chạy xin chuyển cho cháu vào học trường mình chọn, dù thầy hiệu trưởng đã đồng ý tiếp nhận. Anh bạn trẻ gợi ý: Sao người ta không xếp hạng trường học để học sinh theo đó tự chọn trường cho mình, học giỏi vào trường tốt, trung bình vào… trường không có học sinh thì “tinh giản”. Như tìm được lối ra, chị bạn nói như reo: Chú nói chí phải, tại sao không xếp hạng trường học, bỏ phân luồng, phân tuyến… nhưng mà ai xếp hạng chứ!?
Có dịp tìm hiểu thực tế, người viết bài này mới được biết cái “khó” của hiệu trưởng các trường học trên địa bàn. Cô hiệu trưởng trường tiểu học được xã hội “xếp hạng” số một thành phố phàn nàn: Tuyển sinh năm lớp một thật khó xử, chỉ tiêu có hạn (theo phân bổ của ngành) nhưng số học sinh cha mẹ xin cho con vào trường vượt quy định thì quá nhiều, nhận các cháu hay không là bài toán chưa có lời giải thoả đáng. Đã vậy, cha mẹ học sinh lại xin chuyển trường cho con mình năm cháu học lớp 4, học kỳ một lớp 5, thành thử hằng năm cứ lặp đi lặp lại “đầu vào lớp một quá tải, lớp 4-5 sĩ số lớp thiếu”. Rồi cô giáo cho biết nguyên nhân: Học sinh lớp 5 của trường hết năm học chuyển theo tuyến quy định về trường trung học cơ sở mà cha mẹ học sinh không muốn cho con mình học. Ở bậc tiểu học là vậy, bậc trung học phổ thông cũng không ngoại lệ. Ngoài trường chuyên chất lượng cao, nơi tiếp nhận những học sinh giỏi để ươm nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho quê hương thì các trường trung học phổ thông khác đều có sự xếp hạng của xã hội. Thầy hiệu trưởng trường trung học phổ thông ở vùng ngoại ô cho biết: Tập thể sư phạm nhà trường đã nỗ lực hết mức nhưng năm nào “hoàng tráng” lắm thì cũng chỉ đạt chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp ngành giao khoảng 90%. Cái khó của trường là đầu vào học sinh lớp 10 thường là số trò thi không đậu vào các trường khác cùng thành phố. Tìm hiểu thêm ở các bậc học, từ trường được xã hội xếp thứ hạng cao đến thấp đều có vô vàn cái khó mà nguyên nhân khách quan, chủ quan đầy tính thuyết phục.
Đem chuyện trên ra "hội thảo" nhóm bạn bè cơ quan, có người nói: Thầy cô khó sao bằng cha mẹ học sinh. Đơn cử, năm học vừa rồi mình có đứa cháu gái học giỏi xếp nhất nhì trường tiểu học top đầu thành phố, năm cuối cấp theo tuyến chuyển về trường trung học cơ sở cùng phường thuộc top cuối thành phố. Cha mẹ cháu hết lời năn nỉ thầy hiệu trưởng nhưng chỉ nhận được câu hỏi ngược: Ai cũng xin chuyển trường cho con như anh chị, chúng tôi lấy đâu trò để dạy? Sự thực thì năm học đó có đến 95% học sinh lớp 6 mới nhập học cha mẹ chúng có đơn xin chuyển trường. Thế nhưng cháu ông vẫn học ở trường trung học cơ sở nhất tỉnh mà? Anh bạn ngạc nhiên. Đó là nhờ mình chỉ cho mẹ cháu bài học “mọi con đường đều dẫn đến La Mã”. Ông cứ sách vở, có kế sách gì bày bởi năm sau con tôi cũng chuyển cấp học. Đơn giản, cứ để cháu học ba bốn tuần sau đó làm đơn cho con chuyển trường về miền núi, rồi từ miền núi xin chuyển cho cháu về học trường thành phố. Chà, mới biết việc lựa chọn cho con học ở trường nào cũng gian truân quá, ở nước ngoài có như nước mình không nhỉ?
Trong cơ chế thị trường, con người có quyền chọn dịch vụ, sản phẩm cho mình, ngược lại các nhà cung cấp luôn luôn tìm tòi sáng tạo có những dịch vụ, sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu của các thượng đế. Và nếu học sinh được chọn trường học theo khả năng thì việc xếp hạng trường học sẽ là bước đột phá buộc các trường phải nâng cao chất lượng dạy và học nếu không sẽ bị đào thải. Được như vậy thì chuyện chuyển cấp học của trò sẽ không còn là nỗi lo của cha mẹ học sinh và nhà trường mỗi mùa khai giảng năm học. Thế thì tại sao không “xếp hạng trường học”? Đó vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ cho xã hội và cơ quan có thẩm quyền.
Thanh Tâm