HƯỞNG ỨNG NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM:

Nhân ngày Pháp luật Việt Nam, nghĩ về “Thượng tôn Pháp luật”

(NTO) Ngày Pháp luật Việt Nam đã được thể chế hóa trong Luật Phổ biến và giáo dục pháp luật năm 2013. Điều 8, Luật quy định “Ngày 9 tháng 11 hằng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.

Năm nay, tỉnh ta cùng với cả nước tổ chức ngày Pháp luật Việt Nam 9-11 theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Tổ chức kỷ niệm ngày Pháp luật Việt Nam là dịp để khởi dậy trong mọi cá nhân, công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình trước pháp luật, trước Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; động viên, khuyến khích mọi người dân, mọi tổ chức tham gia một cách tích cực vào các sinh hoạt của đời sống chính trị, kinh tế- xã hội. Ngày này còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia vào đời sống xã hội với tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, tự giác và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật với phương châm “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Chúng ta đang sống và làm việc trong một xã hội có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Một trong những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật và bảo đảm cho Hiến pháp, pháp luật giữ vị trí tối thượng, Theo đó, Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; nâng cao trách nhiệm trong quan hệ giữa Nhà nước và công dân, thực hành dân chủ, đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật.

Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó là công cụ không thể thiếu, bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội nói chung, trong đó có đạo đức xã hội. Pháp luật là công cụ quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội. Pháp luật càng nghiêm minh, càng đầy đủ, điều chỉnh càng rộng khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội thì xã hội càng dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người dân được sống hạnh phúc và bình đẳng.

Hiến pháp, pháp luật là sản phẩm của nền dân chủ, do Nhân dân xây dựng nên thông qua những đại biểu của Nhân dân trong các cơ quan quyền lực Nhà nước, phản ánh và thể hiện ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Pháp luật trở lại điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội để phục vụ cho lợi ích của Nhà nước và của Nhân dân. Vì vậy mọi công dân phải tôn trọng và chấp hành pháp luật, phải “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, việc tăng cường vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội được đặt ra như một tất yếu khách quan vừa có yêu cầu cấp bách trước mắt, vừa có tính lâu dài để mọi tổ chức, mọi công dân, mọi người Việt Nam được sống trong một “thế giới phẳng” về pháp luật do yêu cầu hội nhập và phát triển.

Quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng như xây dựng xã hội dân sự ở nước ta hiện nay đòi hỏi phải tích cực hơn nữa trong việc đưa pháp luật vào đời sống, hình thành và phát triển ý thức pháp luật. Phải chuyển thói quen điều chỉnh xã hội theo “lệ” mang cảm tính sang điều chỉnh xã hội bằng pháp luật theo nguyên tắc “tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, với tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Trong điều kiện đất nước ngày càng phát triển và hội nhập sâu thì tinh thần “thượng tôn pháp luật” không chỉ là ý thức và chấp hành pháp luật của nước nhà mà còn vươn ra mở rộng nhận thức, ý thức và chấp hành pháp luật của khu vực và của toàn cầu mà Việt Nam chúng ta là một thành viên trong quá trình hội nhập.