Triển khai Ngày Pháp luật đi vào thực chất, hiệu quả

Qua 3 năm thực hiện, Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) đã trở thành một sự kiện chính trị - pháp lý lớn, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội; cổ vũ, khuyến khích toàn thể cán bộ, nhân dân triệt để tôn trọng, chấp hành Hiến pháp và pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật; góp phần tạo chuyển biến mới về hiệu quả thực thi pháp luật…

Năm 2013 - năm đầu tiên ngày 9/11 trở thành Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức trên quy mô toàn quốc nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người dân trong xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Qua 3 năm thực hiện, việc triển khai Ngày Pháp luật đã bám sát các mục tiêu, nội dung đặt ra, có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng với tinh thần tích cực của hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân.

Ngày Pháp luật đã được xã hội đón nhận, tích cực hưởng ứng, tạo nên dấu ấn mới trong nhận thức về Hiến pháp, pháp luật của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đang thực sự trở thành Ngày hội toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2014. (Ảnh: TH) .

Trong đó, nhiều hình thức, phương pháp tổ chức thực hiện Ngày pháp luật có hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng đã được thực hiện thành công như: phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trực tiếp; tổ chức phổ biến trên báo chí, phát thanh, truyền hình, loa truyền thanh cơ sở, cổ động trực quan; thực hiện PBGDPL thông qua trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, xét xử lưu động, triển khai các mô hình điểm PBGDPL tại thôn, làng, bản xóm, ấp...

Thông qua các hình thức phong phú, đa dạng đã góp phần đưa các hoạt động triển khai Ngày Pháp luật đi vào thực chất, có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động của cá nhân, tổ chức trong từng lĩnh vực pháp luật cụ thể, qua đó góp phần thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương.

Quan trọng hơn, việc thực hiện Ngày Pháp luật đã bắt đầu hướng tới mục tiêu cao hơn, thực chất hơn, đó là làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Thông qua Ngày Pháp luật cũng đã góp phần đẩy mạnh tổ chức triển khai công tác xây dựng, thực thi, áp dụng pháp luật, trong đó kết quả nổi bật là các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ đã hướng trọng tâm đến việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho người dân và doanh nghiệp. Hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật đã đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch; hạn chế oan sai, khiếu kiện, khiếu nại; tình hình vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được phát hiện, xử lý khá triệt để, kịp thời, đúng người, đúng pháp luật.

Kết quả này đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng trong các quy định của pháp luật và nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm quyền, lợi ích của người dân….

Pano hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2015 .

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật mới chỉ tập trung và ưu tiên ở các thành phố lớn, địa bàn đô thị, còn thiếu sự đồng đều đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Chính vì vậy, thời gian qua tình trạng người dân vùng sâu, vùng xa, nông thôn… do không hiểu luật mà vi phạm pháp luật hay tình trạng dân “tự xử” còn khá phổ biến..

Đáng chú ý, việc tổ chức triển khai một số nơi còn hình thức, mang tính phong trào, chưa đi vào thực chất, chưa đúng hướng với mục đích, tinh thần, ý nghĩa của Ngày Pháp luật.

Bước sang năm 2015, Hiến pháp đã đi vào cuộc sống và có hiệu lực pháp luật được 2 năm, do vậy, chủ đề của Ngày Pháp luật được xác định là: “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường bày tỏ mong muốn các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy kết quả, kinh nghiệm triển khai Ngày Pháp luật trong 3 năm qua; khắc phục hạn chế, tồn tại, thu hút sự tham gia tích cực của tất cả các cơ quan, tổ chức và mọi tầng lớp nhân dân để triển khai Ngày Pháp luật 2015 có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và thiết thực hơn. Qua đó, góp phần nhận diện mức độ khả thi, hiệu quả của các quy định; tạo cơ sở điều chỉnh chính sách phù hợp hơn, đảm bảo sau khi ban hành được thực thi thống nhất, đồng bộ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội trong tổ chức thực thi chính sách pháp luật. Đặc biệt, cần hướng đến nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp và pháp luật gắn với nâng cao ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý cho các tầng lớp nhân dân…

Trong các hình thức triển khai Ngày Pháp luật có hiệu quả, các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí Trung ương và địa phương như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Nhân dân ...đã phát huy vai trò tích cực của mình trong việc thông tin, phổ biến, nâng cao nhận thức của nhân dân về Ngày Pháp luật, về xây dựng, thực thi pháp luật thông qua các các chuyên trang, chuyên mục, phỏng vấn, bình luận chuyên sâu...
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam