Thế nhưng nay thì không được vậy, giá bán tại vườn đã giảm một nửa so với giá nêu trên nên thua lỗ là cái chắc, lại bán không chạy do nhu cầu tiêu dùng trong nước không cao. Đối với tỉnh ta, chỉ mới qua mấy cơn mưa dầm sau thời gian dài nắng hạn, vui một lẽ là nhiều hồ chứa đã dần dần tích nước, nhiều vùng “đồng khô cỏ cháy” vài tháng trước đây thì nay đã “hồi sinh” với màu xanh của cây lương thực, cây màu… Đáng nói là, những vùng như Thái An, Vĩnh Hy (Ninh Hải) nhờ có mưa đã cứu được không ít diện tích cây đặc sản như nho, đồng thời bổ sung lượng nước ngầm để nông dân “dự trữ” bơm tưới cho cây trồng… Tuy vậy, đây đó vẫn “phảng phất” nỗi buồn do mưa đã làm cho một số diện tích nho đang cho trái bị cầm màu do úng thủy; một số diện tích đang kết trái bị nấm hại.. Đáng lo hơn cả là tuy chưa thu hoạch rộ nhưng giá nho đã giảm đáng kể, có thời điểm nhà vườn phải cắt bán chợ đại trà với giá chỉ từ 5.000- 7.000đ/kg.
Nông dân thôn Thái An (Vĩnh Hải, Ninh Hải) chăm sóc vườn nho. Ảnh: Văn Miên
Nay tại một số chợ nho đỏ giá nhích lên trên dưới 10.000đ/kg. Còn thực tế bán tại vườn cũng chỉ 7.000- 8.000đ/kg là cùng. Với giá cả như vậy đã làm rầu lòng người trồng nho vì lỗ chi phí. Táo xanh cũng trong tình trạng tương tự, giá không cao do không có độ ngọt, thậm chí bị chua vì tích quá nhiều nước. Đúng là không mưa cũng khổ mà mưa cũng… khổ!
Thực chất của vấn đề là không phải trên thị trường “thừa” nho Ninh Thuận để rồi phải mất giá mà trong đó có tình trạng “nhản hiệu” nho của tỉnh đã bị nhiều người bán ở một số tỉnh, thành, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh “gán” cho nho Trung Quốc mà theo họ là để cho… dễ bán!. Có tiểu thương chuyên cung cấp nho cho một số vựa ở tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nhiều người tiêu dùng tỏ ra nghi ngờ “nho gốc” của “chính hiệu” Ninh Thuận bởi tình trạng “đánh tráo” nhãn hiệu nêu trên. Vì lợi nhỏ mà một số người buôn bán đã “vô tình” hại người trồng nho bằng chính việc tạo nên sự hoài nghi về trái cây đặc sản của tỉnh. Trong khi đó, để bảo vệ cho nhãn hiệu nho Ninh Thuận thì chính người nông dân cũng bất lực; người tiêu dùng thì thiếu thông tin để khả dĩ phân biệt đâu là thật đâu là giả!.
Thời gian qua, không chỉ có nho mà nhiều sản phẩm khác của tỉnh cũng bị “nhái” trong đó có tỏi, táo xanh, hành tím… Trước thực trạng đó, để bảo vệ người sản xuất, vấn đề đặt ra là tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chức năng có giải pháp để bảo vệ nhãn hiệu nông phẩm của tỉnh, nhất là công bố rộng rãi thông tin để người tiêu dùng biết, lựa chọn.
HH