Các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII, chiều 4/11/2015, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật báo chí (sửa đổi) và thảo luận đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) gồm 6 chương với 60 điều, trong đó có 31 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành. Việc sửa đổi này nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí; phát huy tối đa những mặt tích cực, khắc phục tối đa những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động báo chí; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về báo chí; tính khả thi của các quy định pháp luật về báo chí trong điều kiện chính trị, kinh tế-xã hội và hoạt động báo chí ở Việt Nam. Điểm mới của Dự thảo Luật so với Luật hiện hành là bổ sung thêm 1 chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) còn một số bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh như: Về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; Mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí; Về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; Giấy phép trong hoạt động báo chí; Lãnh đạo cơ quan báo chí; Về cung cấp thông tin cho báo chí.

Đại biểu Khúc Thị Duyên (đoàn Thái Bình) phát biểu tại hội trường. (Ảnh: TTXVN)

Thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, đa số ý kiến bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và cho rằng: Các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như của từng địa phương; xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, nâng cao thu nhập và góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tuy nhiên, theo các đại biểu, chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua là quá nhiều, trong khi nguồn lực lại hạn chế; không có trọng tâm, trọng điểm và ít chú ý đến các yếu tố khác biệt ở từng vùng, địa phương. Đại biểu Hoàng Việt Phương (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, việc bố trí, huy động, phân bổ vốn cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thì còn thấp và chưa hợp lý, chủ yếu là ngân sách Trung ương. Có nhiều bộ ngành cùng tham gia quản lý nên việc lồng ghép, tập trung nguồn lực là khó khăn. Một số chương trình trùng lắp về mục tiêu nhiệm vụ, nhất là đối với các chương trình có đầu tư đến cơ sở xã, thôn bản. Do đó, mục tiêu đạt được của một số chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp.

Trước những bất cập đó, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đề xuất chỉ tập trung vào 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững với quan điểm là tập trung nguồn lực để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của xã hội và tạo điều kiện cho địa phương, cơ sở chủ động lồng ghép đầu tư trên địa bàn để nâng cao hiệu quả đầu tư. Đa số các đại biểu đồng tình với chủ trương này, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị: Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, cần thực hiện việc bình xét hộ nghèo phải dựa vào dân, đúng tiêu chí, sát thực tế, tránh tình trạng bình bầu nghèo luân phiên. Chính sách giảm nghèo cần được nghiên cứu theo hướng đầu tư phát triển kinh tế phù hợp với vùng miền do Trung ương quy hoạch; kế hoạch phát triển phân kỳ đầu tư và những mục tiêu cụ thể phải do địa phương xây dựng cụ thể tới tận cấp xã, để mọi người dân được tham gia và phát huy tối đa. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đồng thời, cần thay đổi cơ chế từ hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp như hỗ trợ vốn, đào tạo nghề...

Theo đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An), cần có biện pháp giảm nghèo trọng điểm theo vùng, tránh dàn đều, trong tương lai thu nhập tăng lên, phát sinh khái niệm nghèo đa chiều, tức là không chỉ căn cứ vào thu nhập mà căn cứ vào chỉ tiêu hưởng dụng phúc lợi khác, do đó, Chương trình giảm nghèo ngoài tập trung các yếu tố về việc làm, thu nhập, cần chuẩn bị cơ sở cho các yếu tố khác có liên quan đến hưởng dụng phúc lợi. Có sự phân hóa lớn giữa các địa phương, do đó cần xác định những tác nhân đối với tình trạng nghèo theo vùng, cần có giải pháp trọng điểm theo vùng, tránh dàn đều. Lưu ý lồng ghép các chương trình khác để tránh trùng lặp và hoạt động hiệu quả hơn.

Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại mục tiêu đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vì dự tính hết năm nay, số xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 16,8%. Để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, một số đại biểu đề nghị: cần xem lại các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, cốt lõi là đời sống, thu nhập. Cần có cơ chế đảm bảo để người dân tham gia vào chương trình nông thôn mới, nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó, cần rà soát để phân bổ nguồn vốn cho phù hợp với thực tế ở các xã. Đại biểu Khúc Thị Duyên (đoàn Thái Bình) đề nghị Trung ương tập trung cho những xã có thể về đích nhanh hoặc đạt nhiều tiêu chí. Về quản lý nguồn lực và tổ chức thực hiện thì đề nghị trung ương cũng phân cấp cho địa phương đó là cấp tỉnh để thành lập ban chỉ đạo điều hành chương trình để cân nhắc. Vì cấp tỉnh rất sát với cơ sở biết được xã nào cần xây dựng trường học, trạm y tế, đường ra đồng trụ sở, hoặc xã nào cần xây dựng trụ sở thì tỉnh nắm rất sát và ban chỉ đạo cấp huyện phân bổ nguồn vốn mới sát thực tế./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam