Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) về trách nhiệm của Bộ, ngành khi chưa quản lý chặt chẽ được việc cho nhập khẩu chất tạo nạc salbutanol và chất cấm trong chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, ông đồng tình với quan điểm của đại biểu rằng phải đấu tranh ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi như đấu tranh với ma túy.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, an toàn vệ sinh thực phẩm được xác định là nhiệm vụ số một của toàn ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương sẽ thực hiện một đợt cao điểm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ nay đến tháng 2/2016.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) về việc salbutamol là chất độc bảng B và chỉ có những công ty có số đăng ký sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập. Việc sử dụng thuốc thành phẩm và nguyên liệu chứa Salbutamol được quy định rất chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dược. Chất này chỉ bán theo đơn và dùng theo chỉ định của bác sĩ. Vậy việc thực phẩm tồn dư chất cấm, độc bảng B là do đâu? Có hay không việc buôn lỏng quản lý? Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Bộ nhận thức rõ yêu cầu bức thiết về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy tỷ lệ vi phạm còn cao, chưa cải thiện so với năm 2014.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định, việc dùng chất cấm trong chăn nuôi còn nguy hiểm hơn cả ma túy. Do đó, ông đề nghị người nông dân dừng ngay việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và bảo vệ chất lượng hàng hóa của mình.
Liên quan đến những câu hỏi của nhiều đại biểu Quốc hội về vấn đề lưu hành phân bón giả và kém chất lượng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Hiện nay, nước ta đang lưu hành 5.300 tên phân bón, trong đó có 261 loại phân hữu cơ vi sinh, còn lại là phân vô cơ. Theo Nghị định 202/2013, Bộ NN&PTNT quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác, còn Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ.
“Nước ta cần có nhiều loại phân bón là do chúng ta có nhiều loại cây trồng, có yêu cầu các loại phân bón với tỷ lệ phối trộn khác nhau cho các vùng đất, mùa vụ và giai đoạn sinh trưởng khác nhau” – Bộ trưởng Cao Đức Phát giải thích.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để ngăn chặn tình trạng có quá nhiều phân bón, và chấn chỉnh tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có hai giải pháp chính. Thứ nhất là xây dựng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại phân bón và quản lý chặt chẽ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Thứ hai, yêu cầu doanh nghiệp bảo đảm điều kiện kinh doanh.
Suốt 2 năm qua, Bộ NN&PTNT đã siết chặt tình hình, quy chuẩn từng loại phân bón, yêu cầu doanh nghiệp bảo đảm điều kiện kinh doanh. Đến 1/2/2016, doanh nghiệp nào không đạt yêu cầu sẽ bị đóng cửa.
Báo cáo trước Quốc hội về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, đã có nhiều chính sách mới được ban hành. Ngành nông nghiệp cũng đang thúc đẩy mô hình cánh đồng mẫu lớn, đến nay đã có 536.000 ha tham gia mô hình này. Bộ NN&PTNT cũng phối hợp đẩy mạnh đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nông lâm trường quốc doanh; trình Chính phủ dự thảo chính sách cho hợp tác xã nông nghiệp… Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm đầu tư vào nông nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát phải thừa nhận, sự chuyển động còn khác nhau ở các địa phương, và nhìn chung còn chậm. Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, ban hành chính sách mạnh mẽ hơn, nhất là đất đai, thuế và vốn để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nghành nông nghiệp.
Giải đáp thắc mắc của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sáng nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN&PTNT và Chính phủ hết sức chia sẻ với những khó khăn mà bà con nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp suốt một năm qua.
Hạn hán và hiện tượng El Nino đã làm cho nhiều loại cây trồng nông nghiệp của nước ta bị ảnh hưởng, nắng nóng ảnh hưởng đến năng suất nhiều nơi. Thị trường tiêu thụ nhiều loại nông sản gặp khó khăn, như lúa, gạo, cà phê, ca cao…
Bộ trưởng cho biết, trong 9 tháng năm 2015, ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân 2,1%, thấp hơn 3% của năm 2014. Lĩnh vực chăn nuôi và lâm nghiệp phát triển với tốc độ cao hơn. Sản lượng nông, lâm, thủy sản tăng nhưng những mặt hàng chủ lực đều tăng chậm so với cùng kỳ. 5 mặt hàng chủ lực tăng nhưng cũng không kéo lại được sự sụt giảm mạnh của kim ngạch xuất khẩu.
Bộ trưởng nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy khả năng phát triển sản xuất để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, chúng ta cần tập trung khắc phục khó khăn về hạn hán, khắc phục thị trường xuất khẩu cho nông sản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh mở cửa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, thủy sản…
Đối với tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Bộ trưởng nhấn mạnh, tái cơ cấu chủ yếu là theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả để có thể cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, áp dụng con giống mới vào sản xuất, nuôi trồng.
Về giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách mạnh mẽ hơn, nhất là chính sách về đất đai, vốn…; xây dựng các công trình dự án, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Hết 30.000 tỷ sẽ có gói khác hỗ trợ dân mua nhà
Chuyển sang vấn đề nhà ở cho người có công được một số đại biểu đề cập trong phiên thảo luận sáng 3/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, theo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có 70.000 hộ người có công cần được hỗ trợ, nhưng theo báo cáo của ngành chức năng thì lại có đến 350.000 hộ nên cần rà soát đánh giá lại. Tuy ngân sách khó khăn nhưng sẽ từng bước thực hiện, đã xem xét 80.000 hộ thuộc giai đoạn đầu được hỗ trợ. Thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.
Trước vấn đề nhiều đại biểu lo ngại hết gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân để vay mua nhà với lãi suất thấp thì còn gì nữa không, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, gói này dùng trong thời kỳ bất động sản khó khăn, và đang được giải ngân rất nhanh... Tuy nhiên, hỗ trợ người dân vay mua nhà với lãi suất thấp là công việc lâu dài, không chỉ gói 30.000 tỷ.
Khẳng định việc hỗ trợ cho dân vay mua nhà với lãi suất thấp là công việc lâu dài, Bộ trưởng Dũng cho biết, theo Luật Nhà ở, khi hết gói 30.000 tỷ vẫn sẽ tiếp tục có chương trình dài hạn khác cho người dân vay với lãi suất thấp để cải thiện nhà ở.
Cụ thể, Luật Nhà ở và Nghị định 100 nói rõ, Nhà nước có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho những doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở xã hội được vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Ngân hàng Nhà nước chỉ định các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện việc này./
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam