Mặc dù tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng, nhưng tăng thu chủ yếu của ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỷ đồng), còn ngân sách trung ương hụt thu 31.300 tỷ đồng, điều này dẫn đến khó khăn trong cân đối ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (tỉnh Thái Nguyên) phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)
Cũng trong năm 2015, trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm sâu (ước cả năm chỉ đạt 56,7USD/thùng, giảm trên 43USD/thùng so với giá tính dự toán), dẫn đến số hụt thu từ dầu thô và các khoản thu khác do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng. Đây là mức hụt thu lớn, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung ương. Đại biểu Phùng Đức Tiến (tỉnh Hà Nam) cho rằng, công tác lập dự toán ngân sách còn rất bị động, thiếu linh hoạt. Việc phân tích biến động giá dầu còn sai số quá nhiều so với thị trường.
Đại biểu Phùng Đức Tiến cũng bức xúc khi việc chi ngân sách vẫn còn nhiều bất cập như: Chi quá nhiều cho lễ hội, đi công tác nước ngoài chiếm tỷ trọng cao, trong khi đó, chi đầu tư phát triển, chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia còn dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm nên hiệu quả không cao, thậm chí còn lãng phí. Kỷ luật chi tiêu còn buông lỏng.
Do đó, đại biểu Phùng Đức Tiến kiến nghị dự toán ngân sách năm 2016 cần chặt chẽ hơn, trong đó, cần lưu ý: Diễn biến giá dầu cần được dự báo sát thực, đúng thực tế, đồng thời có nhiều kịch bản đối phó, tránh bị động như năm 2015; rà soát kỹ các khoản thu từ trung ương đến địa phương, trên cơ sở đó, lập danh sách cho sát thực tế nhằm thu đúng, thu đủ.
Về phương án xử lý bù hụt thu ngân sách trung ương năm 2015, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (tỉnh Thái Nguyên) không tán thành phương án Chính phủ bán bớt cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp được khoảng 10.000 tỷ đồng để bù vào số hụt thu.
“Tôi đề nghị cân nhắc phương án này. Cá nhân tôi chưa tán thành vì với phương án này thì không khác gì ăn vào vốn cố định. Mục đích của việc bán bớt vốn Nhà nước để đầu tư vào nơi có hiệu quả hơn chứ không phải để tiêu. Chính phủ nên tìm giải pháp khác bằng cách: Tích cực thu từ nợ đọng thuế; rà soát, thực hiện nghiêm cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết; tiết kiệm triệt để những khoản chi với mức ngân sách thấp hơn để có điều kiện bố trí ngân sách hợp lý” – đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nêu quan điểm.
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, mặc dù mức dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3%GDP, trong giới hạn an toàn cho phép (65%GDP), nhưng tình hình thực tế nợ công, cùng với vấn đề vay và trả nợ đã trở nên khó khăn hơn, áp lực trả nợ và vay đảo nợ trong ngắn hạn ngày một lớn, nên đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tích cực để thực hiện tốt chiến lược nợ công và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Đại biểu Trần Văn (tỉnh Cà Mau) cho rằng, việc nợ công nước ta tăng quá nhanh. Trong năm 2013 trở lại đây, chúng ta không cân đối được nguồn để trả lãi, nợ gốc cũng đến hạn phải trả, phải vay nợ mới để trả nợ cũ, giá trị năm sau cao hơn năm trước. Giờ người dân đặc biệt quan tâm đến cân đối ngân sách nhà nước. Khó có thể nói mọi việc suôn sẻ khi nợ đến hạn mà chúng ta không đủ khả năng trả mà phải đảo nợ.
“Không thể phủ nhận việc vay nợ trong những năm vừa qua để chi đầu tư phát triển đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, chi đầu tư chủ yếu là vốn vay chứ chưa phải là do tích lũy của nền kinh tế sẽ tạo ra gánh nặng cho ngân sách. Dự toán thu ngân sách năm tới sẽ tiếp tục khó khăn, do đó, việc cân đối lại ngân sách trở nên cấp thiết để có khả năng trả nợ và chi đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả đầu tư, huy động đa dạng nguồn vốn” – đại biểu Trần Văn nói.
Nhiều đại biểu đồng tình cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế, trong đó có đại biểu Đào Ngọc Tùng (tỉnh Đồng Nai). Đại biểu này lập luận: “Trước đây, chúng ta vay với lãi suất cao. Và bây giờ, do uy tín của chúng ta tăng lên, khi chúng ta phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế thì lãi suất phải trả thấp hơn số vay trước đó. Chúng ta phát hành ra để trả nợ cũ, tuy rằng nợ cũ chưa đến hạn nhưng có quyền trả trước thì như vậy sẽ giảm lãi xuống, có lợi cho nền kinh tế. Do đó, tôi hoàn toàn tán thành”.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cũng đồng tình phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế để cơ cấu lại nợ công, nhất là các khoản nợ quá hạn; đồng thời cơ cấu lại được các khoản nợ dài hạn và nền kinh tế có thêm ngoại hối để đầu tư phát triển.
Một số đại biểu đề nghị việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế phải bảo đảm chi phí vay vốn nước ngoài bằng hoặc thấp hơn chi phí vay vốn trong nước để cơ cấu lại nợ Chính phủ và cân nhắc sửa đổi có giới hạn với việc phát hành trái phiếu chính phủ trong nước, theo đó, đề nghị chỉ cho phép phát hành trái phiếu chính phủ từ 3 năm trở lên và khối lượng không quá 30% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành, thực hiện trong năm 2015 và 2016./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam