Sức nóng TPP và băn khoăn của đại biểu quốc hội

Việc kết thúc đàm phán hiện định TPP là cơ hội cho Việt Nam tham gia sân chơi chung với các nền kinh tế lớn trên thế giới nhưng cũng là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, sáng 2/11, Quốc hội bắt đầu thảo luận tại Hội trường về kết quả tình tình phát triển kinh tế xã hội năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2016.

Lo cho năng lực cạnh tranh

Thảo luận tại Hội trường các đại biểu thống nhất đánh giá nền kinh tế nước ta tiếp tục có chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy vậy, nền kinh tế còn bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức như tăng trưởng kinh tế còn thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều bất trắc; hiệu quả sử dụng vốn không cao; những thách thức khi gia nhập TPP...

Quan tâm tới việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) nhấn mạnh, vốn đầu tư có vai trò rất quan trọng, nếu không nói là quyết định đến sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về việc sử dụng vốn đã được đánh giá qua hệ thống ICOR. “Nếu so với một số nước đã trải qua giai đoạn phát triển tương đồng như Việt Nam, thì hệ số ICOR của Việt Nam hiện nay đang ở mức cao”.

Theo đại biểu, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu nguyên nhân làm hệ số ICOR cao một phần là do đang đầu tư cho hệ hạ tầng cơ sở là chưa đủ. Theo đại biểu, nguyên nhân chủ quan là do công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế dẫn đến những thiệt hại do quy hoạch treo, quy hoạch không đồng bộ, thất thoát, lãng phí còn xảy ra, chế độ trách nhiệm chưa rõ ràng...

Theo đại biểu việc quy định trách nhiệm trong quản lý điều hành chưa cụ thể dẫn đến chưa rõ ràng, chưa nêu được cán bộ làm tốt được khen thưởng thế nào, nếu không hoàn thành thì xử lý đến đâu, phần lớn chỉ nêu chung chung nên cuối cùng chẳng ai có trách nhiệm gì. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có biện pháp cao hơn nữa, cụ thể hơn nữa về chế độ trách nhiệm trong quản lý để sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư thời gian tới.

Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh), trong năm 2015 có hai thành tựu nổi bật là bảo đảm tăng trưởng kinh tế 6,5%, bảo đảm thu ngân sách và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt đã ký kết TPP, tạo cơ hội để Việt Nam cân bằng thương mại, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo đại biểu, năm qua nổi lên 3 vấn đề là: động lực tăng trưởng đã bão hòa; năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp ở mức thấp so với các nước trong khu vực; đột phá chiến lược nguồn nhân lực chưa đạt được như mong đợi.

Trong đó, phân tích sâu năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đại biểu nói “Theo diễn đàn kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sếp thứ 56/140 là mức thấp so với các nước trong khu vực (Singapore thứ 2, Malaysia 18, Thái Lan 32, Indonesia 37)”.

Phân tích các yếu tố hình thành nên chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, đại biểu cho rằng, Việt Nam cũng có những chỉ số được xếp hạng cao như quy mô thị trường được xếp hạng 33, hiệu quả thị trường lao động ở mức trung bình khá là 52, trong khi đó, chúng ta đạt mức thấp về thể chế là 85, về sự phát triển thị trường tài chính 84, giáo dục - khoa học thứ 95, trình độ công nghệ 92 và đặc biệt là độ tinh vi trong tổ chức và quản trị doanh nghiệp đứng thứ 100.

Từ ba vấn đề trên, đại biểu cho rằng, cần xã hội hóa phân bổ nguồn lực để mọi thành phần, mọi lực lượng trong xã hội đều tiếp cận được nguồn lực một cách bình đẳng, dễ dàng và thuận lợi. Đồng thời cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa để huy động, phát huy tối đa nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế đồng thời giảm tải cho nhà nước. Tập trung cải cách về thể chế để việc tiếp cận nguồn lực được thực hiện với những thủ tục đơn giản, chi phí thấp; đặc biệt phải quan tâm xây dựng những thể chế mới phù hợp với những yêu cầu của quá trình thực hiện các cam kết quốc tế. Đồng thời cần có những giải pháp nhanh chóng, mạnh mẽ lực lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, cùng với đó là có những chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung hỗ trợ xây dựng một số doanh nghiệp có quy mô lớn...

Sức nóng từ TPP

Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu đã nhắc đến sức nóng của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), việc kết thúc đàm phán hiện định TPP là cơ hội cho Việt Nam tham gia sân chơi chung với các nền kinh tế lớn trên thế giới nhưng cũng là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp. Để kinh tế phát triển và hội nhập thành công, đại biểu kiến nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp tuyên tuyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận đủ các thông tin về hiệp định. Chính phủ cần chuẩn bị các điều kiện, có cơ chế, chính sách phù hợp giúp các doanh nghiệp khi tham gia hội nhập phát triển bền vững; đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, cần hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng và hiện đại hóa quy trình sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt Nam.

Đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh rà soát hệ thống chính trị pháp luật đảm bảo tính đồng bộ chặt chẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước; xem xét loại bỏ những quy định không phù hợp trong quá trình hội nhập. Vẫn theo đại biểu, nhiều hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh thông tư số 01 ban hành ngày 20/3/2015 và có hướng dẫn rõ ràng hơn...

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) dành phần lớn thời gian phát biểu để chia sẻ về sức nóng của quá trình hội nhập và những thách thức Việt Nam phải đối mặt. “Chúng ta đang sống trong nguồn cảm xúc mang tên TPP khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương này vừa hoàn tất đàm phán” – đại biểu nói. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ lo ngại khi hội nhập, rồi đàm phán tự do vẫn như là việc của riêng Chính phủ chứ không phải việc của doanh nghiệp, người dân và phần lớn bộ máy công chức. “Thật bất ngờ, doanh nghiệp – đội quân được coi là tiên phong trong hội nhập thì một điều tra gần đây cho thấy có đến 76% doanh nghiệp không biết gì về cộng đồng kinh tế ASEAN”.

Đại biểu nhấn mạnh, để hội nhập thành công thì phải có thể chế hội nhập và con người hội nhập. Về thể chế, đại biểu đánh giá Quốc hội và Chính phủ rất quyết tâm, quyết liệt, và chúng ta đã có một nền tảng quan trọng khi nhiều luật được thông qua. Nhưng đáng buồn là chưa có những con người hội nhập, quy định của pháp luật có tiến bộ đến đâu nhưng cũng có thể bị vô hiệu hóa với hàng tá những lệ làng, thói quen, sự quan liêu, cửa quyền, vô cảm. Bởi trong khi các nhà lãnh đạo cứ bày tỏ sự quyết tâm, các đoàn đàm phán hăng say trên bàn đàm phán còn cộng đồng doanh nghiệp thì đứng ngoài, thờ ơ, và bộ máy công chức, đặc biệt là ở các cấp vô cảm.

“Có thể nói, sức nóng của TPP đang phả vào gáy chúng ta. Nếu không nhận biết định lượng, cụ thể về các cơ hội và thách thức, không tận dụng được cơ hội để cải thiện sức khỏe bên trong của mình, thì nền kinh tế Việt Nam (là nền kinh tế nhỏ và yếu nhất trong 12 nền kinh tế TPP) sẽ hoàn toàn bị “đánh chiếm” bởi các đội quân viễn chinh kinh tế hùng hậu của nước ngoài, và cuối cùng chúng ta vẫn chỉ là người làm thuê trên mảnh đất màu mỡ của mình” - đại biểu Trần Khắc Tâm phân tích.

Để thành công trong TPP, đại biểu cho rằng, giải pháp quan trọng và cấp bách nhất chính là đột phá vào con người. “Chỉ có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, sự cần cù của mỗi người dân, sự nhẫn nại và sáng tạo của các doanh nghiệp, tận tụy của từng công chức thì chúng ta mới vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn hội nhập này” – đại biểu nói.

Từ đó, đại biểu bày tỏ hoàn toàn đồng tình với Chính phủ về việc đầu tiên cần làm ngay trong 2016 là phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, yếu kém ra khỏi bộ máy./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam