Cần bổ sung quy định về bảo vệ thông tin riêng trên mạng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII, sáng 29/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và thảo luận dự án Luật An toàn thông tin mạng.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
(Ảnh: TTXVN)

Đầu giờ sáng, các đại biểu Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật này nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như để phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật này còn nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành để bảo đảm tốt hơn quyền tự do, tín ngưỡng của mọi người; giữ vững niềm tin của người có tín ngưỡng, tôn giáo vào chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có kết cấu gồm: 11 Chương, 67 Điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Dự án Luật có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh như: việc mở rộng phạm vi chủ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đưa ra quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; dành một chương riêng quy định cụ thể về sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, từ thiện, nhân đạo; quy định về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam, đồng thời xây dựng chương quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo... So với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành, Dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều điểm mới cơ bản, đáng chú ý là việc mở rộng phạm vi chủ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bổ sung trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong việc tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng của mọi người; dành một chương riêng quy định cụ thể về sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, từ thiện, nhân đạo; quy định về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam; đồng thời bổ sung chương mới quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Dự án Luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng và định hướng cho các hoạt động tín ngưỡng được thực hiện một cách lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn truyền thống của dân tộc.

Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006, đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, khiến cho việc áp dụng, thực hiện Luật và thực thi điều ước quốc tế thiếu nhất quán, hiệu quả và hiệu lực không cao; chưa bảo đảm yêu cầu cải cách tư pháp cũng như chưa đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của tình hình thực tế trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đề cao việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực cũng làm cho một số quy định của luật không còn phù hợp, hoặc đặt ra yêu cầu bổ sung những quy định còn thiếu để triển khai Hiến pháp. Dự thảo Luật Điều ước quốc tế (sửa đổi) gồm 9 Chương với 90 Điều, giảm 17 điều so với 107 điều của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, trong đó giữ nguyên nội dung 10 điều, sửa đổi 73 điều (sửa đổi nội dung và sắp xếp lại thành 60 điều trong dự thảo), bỏ 24 điều và bổ sung 20 điều mới, thay đổi vị trí của một số điều cho phù hợp bố cục mới của dự thảo Luật. Việc sửa đổi Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005 nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến điều ước quốc tế và nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật từ năm 2005.

Cho ý kiến về dự thảo Luật An toàn thông tin mạng, nhiều đại biểu đề nghị, trước thực tế phức tạp đang biến đổi liên tục của môi trường thông tin mạng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về bảo vệ thông tin riêng và bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng. Đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật trình ra Quốc hội lần này cơ bản đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, để nội dung Luật được hoàn thiện hơn cũng như phù hợp hơn với thực tế phức tạp đang biến đổi liên tục của môi trường thông tin mạng, một số đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định về thông tin riêng và bảo vệ thông tin riêng. Dẫn chứng thực tế có trường hợp nữ sinh tự tử vì những hình ảnh thông tin riêng tư của mình bị phát tán tràn lan trên mạng xã hội, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình), nếu có biện pháp kĩ thuật để phòng ngừa, cảnh báo người dùng, để ứng cứu phẩn cấp, ngăn chặn kịp thời việc phát tán thông tin trên mạng thì chưa chắc câu chuyện đã có kết thúc đau lòng như vậy. Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc xây dựng quy định về bảo vệ thông tin riêng trong dự thảo Luật này là thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay mặc dù đây là vấn đề rất khó về công nghệ và kĩ thuật.

Về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc vì số điện thoại và danh tính của rất nhiều cá nhân bị thu thập, phát tán trái phép để phục vụ cho mục đích tiếp thị, quảng cáo, cũng như tình trạng rao bán thông tin cá nhân công khai trên mạng. Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, dự thảo Luật An toàn thông tin mạng lần này đã đặt ra nhiều quy định tương đối đầy đủ nhằm bảo vệ thông tin cá nhân, như quy định trước khi thu thập thông tin cá nhân phải xin phép ý kiến của người được thu thập... Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, thực thi được những điều khoản này trên thực tế là một thách thức lớn, nếu dự thảo Luật không quy định rõ những chế tài và điều kiện xử lý./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam