Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm nhất của nhiệm kỳ 2011-2015 là tái cơ cấu nền kinh tế. Đại biểu tán thành với 3 nguyên nhân chủ yếu mà Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội (QH) ngày 30/10 vừa qua.
Đại biểu cho rằng, trong 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu thì còn một số vấn đề đáng quan tâm. Cụ thể, về kinh tế vĩ mô, tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam bao gồm cả DN nhà nước và DN liên doanh, tỷ trọng năm 2011 từ 50,6% đã giảm xuống còn 33,3% năm 2015. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu còn thấp. Nếu năm 2011, tốc độ là 26,1% thì năm 2014 giảm xuống còn 10,4% và 9 tháng năm 2015 giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2014. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm là khoảng 5,9%.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên, chỉ số ICOR của Việt Nam tăng nhưng không đáng kể. Việt Nam đứng thứ 12 trong số các nước dễ vỡ nợ công. Trong 3 lĩnh vực tái cơ cấu thì cần chú ý về tái cơ cấu đầu tư công, các vấn đề của nền kinh tế. “Nếu ta nhìn vào những con số mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê đưa ra thì thấy rằng, việc tái cơ cấu trên cả 3 lĩnh vực của chúng ta đều chưa hoàn thành” - đại biểu cho biết.
Cũng đưa ra những hạn chế của nền kinh tế hiện nay, tuy nhiên, đại biểu Trần Xuân Vinh (tỉnh Quảng Nam) cho rằng, những năm gần đây, chi thường xuyên đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi ngân sách, chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách giảm dần. Mặc dù một số chính sách đã được ban hành, song cơ chế, chính sách còn tùy tiện, gây cản trở cho doanh nghiệp.
Về hiệu quả đầu tư, đại biểu Trần Xuân Vinh cũng thẳng thắn nhận định, hiệu quả sử dụng ICOR của Việt Nam còn thấp. Theo đại biểu Trần Xuân Vinh, động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua chủ yếu vẫn phụ thuộc vào vốn và lao động; đồng thời, việc xử lý các vấn đề phát sinh về đầu tư còn yếu. Xu hướng đầu tư có quy mô ngày càng lớn là có thật nhưng hiệu quả chưa cao dẫn đến tăng nợ công và tăng bội chi ngân sách. Bởi vậy, để nền kinh tế phát triển bền vững, cần nâng cao chất lượng lao động, công khai minh bạch các chỉ số nợ công, nợ xấu.
Cũng theo đại biểu, cần đa dạng hóa các hình thức đầu tư, tránh đầu tư mang tính cát cứ, đầu tư mang tính liên vùng; xử lý dứt điểm sở hữu chéo, phân bổ lại đầu tư chi tiêu công, sử dụng vốn nhà nước hiệu quả; tăng cường các giải pháp kiểm soát tài chính, lành mạnh hóa thể chế tài chính của đất nước…
Đồng tình với những quan điểm trên, đại biểu Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai) đề nghị, để có giải pháp phù hợp cho giai đoạn tiếp theo, Chính phủ cần quan tâm, giải trình rõ hơn nguyên nhân vì sao việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa định hình rõ nét theo mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Quốc hội. Đây là thách thức lớn của đất nước trong bối cảnh hội nhập.
Theo đại biểu, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý điều hành, thực hiện nhiiệm vụ kinh tế giai đoạn sau, Chính phủ và Quốc hội cần quan tâm, cụ thể hóa chính sách, sớm ban hành cơ chế, chính sách, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao tỷ trọng sản xuất công nghiệp, đổi mới ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và tăng cường phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ sớm thể chế hóa Luật Tổ chức Chính phủ, phân định rõ trách nhiệm các bộ; tinh giản bộ máy biên chế; khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức vô cảm với nhân dân; khắc phục tình trạng lời nói chưa đi đôi với việc làm.
Liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, cần xác định lộ trình thực hiện mục tiêu hàng năm để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đến năm 2020, kịp thời ban hành chính sách đối với người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo đại biểu, năm 2015, tỷ lệ người tham gia BHXH thấp, giảm so với năm 2014, đó là chưa kể tình trạng lao động đã qua đào tạo nhưng không đáp ứng được thị trường lao động, thị trường lao động chất lượng cao hiện nay. Bởi vậy, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần làm rõ trách nhiệm liên quan đến tỷ lệ lao động qua đào tạo không đạt so với mục tiêu đề ra và giải trình rõ vì sao chậm hoàn thành quy hoạch mạng lưới cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm nghề?
Liên quan sai phạm ở dự án 8B Lê Trực, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cần xử lý nghiêm sai phạm, lấy đất kinh doanh phải đền bù thỏa đáng cho người dân.
Về vấn đề an toàn thực phẩm, đại biểu đề nghị, phải đấu tranh quyết liệt với việc nhập khẩu chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi như đấu tranh với tội phạm ma túy. Theo đó, đại biểu cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm của người đã nhập khẩu 68 tấn tạo nạc và chất cấm trong chăn nuôi. Đại biểu nhấn mạnh: “Người nông dân vì sức khỏe cộng đồng đừng dùng thuốc diệt cỏ, diệt chuột để tẩm ướt vào hoa quả đem ra thị trường”.
Về vấn đề khai thác tài nguyên hiệu quả, đại biểu cũng đề nghị, từ năm 2016, tất cả các mỏ vàng, bạc, than, sắt…đều phải được triển khai đấu thầu để thu tiền cho ngân sách; phải xử lý nghiêm cán bộ cấp giấy phép khai thác trái pháp luật./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam