Trong thời gian qua có sự chênh lệch số liệu thống kê giữa Tổng cục Thống kê với Bộ, ngành và giữa Trung ương với địa phương.
Theo các đại biểu (ĐB), nguyên nhân chủ yếu do chưa quy định chặt chẽ về nội dung, phương pháp tính, nguồn số liệu của các chỉ tiêu thống kê; thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, sản xuất, sử dụng thông tin thống kê; thẩm quyền điều phối của cơ quan thống kê Trung ương; về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, cùng với việc thực thi Luật chưa nghiêm, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh.
Theo ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), số liệu có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, để trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ hoạch định chiến lược xây dựng quy hoạch, kế hoạch điều hành kinh tế - xã hội, đáp ứng cho nhu cầu thông tin của các tổ chức, người dân.
Để khắc phục tình trạng làm đẹp con số thống kê, cần bổ sung nguyên tắc cơ bản phải bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ để nhận dạng đúng thực trạng, thực tiễn chất lượng số liệu thống kê.
Đồng quan điểm, để tránh hiện tượng “làm sạch” số liệu thống kê, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị, cần bổ sung quy định "cấm làm sạch và làm đẹp số liệu, để chống lại bệnh thành tích". ĐB cũng kiến nghị, Tổng Cục thống kê nên tách ra khỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và tốt nhất là trực thuộc Quốc hội để đảm bảo tính độc lập.
Theo ĐB Trương Văn Vở, sự quyết định trong số liệu thống kê là hệ thống tổ chức và con người. Theo đó, cần quan tâm đến chế định, quyền hạn của từng tổ chức thống kê; bảo đảm mối quan hệ mang tính pháp lý, trách nhiệm, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác thống kê thay cho tiêu chuẩn chung chung như Điều 69 Dự thảo Luật quy định.
ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng đề nghị, "cần quy định rõ thời hạn và trách nhiệm của tổ chức thống kê Nhà nước phải công bố, phổ biến thông tin thống kê, bảo đảm yêu cầu kịp thời, trung thực, có căn cứ khoa học và thực tiễn".
Trách nhiệm của các cấp trong cung cấp số liệu thống kê cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Theo ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), thông tin thống kê Nhà nước có 4 cấp, vì thế, cần quy rõ trách nhiệm của từng cấp để rõ, tránh tình trạng chênh lệch số liệu thống kê như thời gian qua. "Nhiều khi vì mục đích quyền lợi để kêu gọi đầu tư lại đưa ra số liệu khác. Vậy làm sao để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong số liệu thống kê Nhà nước?" - ĐB Nguyễn Văn Sơn đặt câu hỏi.
Với tư cách là đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, vấn đề cốt lõi của thống kê là bảo đảm tính chính xác và khách quan, gắn với hội nhập.
Thừa nhận số liệu thống kê thời gian qua chưa được chính xác, nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định “cũng không quá đến nỗi bị nặn bóp, méo mó và không bị yêu cầu nào làm khác về số liệu thống kê”.
Lý giải cho số liệu thống kê thời gian qua chưa được chính xác, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, một trong những nguyên nhân là do số liệu các bộ ngành, địa phương cung cấp và Tổng cục Thống kê chỉ thẩm định, thống kê lại. Trong khi đó, mỗi bộ, ngành cũng chỉ có vài người làm thống kê, có nơi kiêm nhiệm.
Khẳng định ở Việt Nam không có tổ chức nào có con số thống kê tốt hơn Tổng Cục thống kê, tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, vấn đề băn khoăn là đầu vào có chính xác hay không, bởi “bệnh thành tích” ở ta vẫn hơi nặng nề.
Bộ trưởng cũng đồng tình cần làm rõ chế tài trong xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp số liệu thống kê, theo đó đề nghị pháp lý phải minh bạch, pháp luật phải quy định chặt chẽ về vấn đề này .“Ở nước ngoài, số liệu sai là họ xử lý rất nặng, xử lý hình sự ngay” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam