Dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá trong những năm qua, hệ thống đô thị nước ta phát triển nhanh, mạnh, khẳng định được vị thế là động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế-xã hội. Tuy vậy, dù tỉ lệ đô thị hóa trên cả nước đạt 35,2% nhưng các đô thị chưa thực sự bảo đảm chất lượng, đồng bộ và còn thiếu bền vững.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên là do hệ thống quản lý Nhà nước về đô thị chưa đủ năng lực quản lý và kiểm soát có hiệu quả.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng hệ thống đô thị nước ta phát triển nhanh, mạnh, khẳng định
được vị thế là động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Phó Thủ tướng cho rằng Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp bồi dưỡng nâng cao cả về chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ quản lý xây dựng và đô thị ở các địa phương, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị của cả nước.
Nhằm đạt được mục tiêu, kết quả cao hơn nữa trong công tác này, Phó Thủ tướng đồng ý để Bộ Xây dựng mở rộng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng tham gia học tập theo Đề án; tập trung chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành toàn bộ mục tiêu của Đề án vào năm 2018.
Theo tổng kết tại hội nghị, đến nay trên cả nước đã có 779 đô thị các loại, trong đó 2 đô thị đặc biệt, 16 đô thị loại I, 22 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 77 đô thị loại IV và 620 đô thị loại V với tỉ lệ đô thị hóa trên toàn quốc đạt 35,2%.
Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2015” theo Quyết định 1961/2010/QĐ-TTg (Đề án 1961) có phạm vi đối tượng đào tạo, bồi dưỡng đa dạng; khối lượng kiến thức, nội dung chương trình đào tạo theo vị trí việc làm rất lớn, yêu cầu cần phải hết sức chi tiết, thiết thực, sát thực tế. Bối cảnh thực hiện khi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên tục được sửa đổi, ban hành mới nên tài liệu giảng dạy luôn cần phải biên soạn lại.
Đến nay, Bộ Xây dựng đã triển khai hoàn thành công tác xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu cho các nhóm đối tượng học viên. Trong đó 6/8 bộ tài liệu đã được ban hành sử dụng trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đã bước đầu được đánh giá là thiết thực và hiệu quả.
Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Trong khuôn khổ Đề án, đã thực hiện được 142 khóa đào tạo, bồi dưỡng trên khắp cả nước với sự tham gia trên 9.300 học viên. Phần lớn các học viên tham dự khóa học đánh giá cao về tính hữu ích, thực tiễn cao của khóa học và đã phát huy tốt trong quá trình công tác tại địa phương.
Bên cạnh đó, những ý kiến tại hội nghị cũng nêu một số vấn đề nhiệm vụ trong Đề án cần nỗ lực triển khai, hoàn thành đúng mục tiêu. Đó là hệ thống dữ liệu, sự trao đổi hai chiều, nâng cao chất lượng giảng viên, có phương pháp truyền đạt phù hợp với mọi đối tượng học viên...
Về tổng thể, đến thời điểm này Đề án cũng chưa hoàn thành mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng 100% công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp trong cả nước về quản lý xây dựng và đô thị.
Nguồn www.chinhphu.vn