Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải họp Ban Chỉ đạo về phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế

Ngày 23/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã họp Ban Chỉ đạo về phát triển khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), giao Bộ KH&ĐT với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo về phát triển KKT, KCN tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, các vấn đề cơ chế để "vẽ ra thật rõ đường đi cải cách", tìm ra các nút thắt cần tháo gỡ, tổng hợp trả lời kịp thời, đầy đủ các kiến nghị của chủ đầu tư, tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các KCN, KKT.

Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ quan thường trực Bộ KH&ĐT cho biết, trong 9 tháng năm 2015 đã có thêm 5 KCN mới được thành lập. Như vậy, hiện cả nước ta có 299 KCN với tổng diện tích 85.000 ha, trong đó 212 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 67%, cao hơn 2% so với cuối năm 2014. Trong năm nay đã có thêm KKT Đông Nam Quảng Trị đi vào hoạt động và 2 KKT ở Thanh Hóa, Nghệ An được mở rộng, nâng tổng số các KKT lên 16 với tổng diện tích 815.000 ha.

Kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ Ban Chỉ đạo về phát triển các KCN, KKT thời gian qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận những bước khởi sắc trong hoạt động tại các KCN, KKT. Đặc biệt là tỷ lệ lấp đầy đã tăng lên; công tác bảo vệ môi trường, đổi mới công nghệ có chuyển biến tích cực; tỷ lệ các KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 84%, tăng 2%.

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để nâng cao hơn nữa tỷ lệ lấp đầy các KCN, KKT, tạo thành những động lực thực sự phát triển của các địa phương cũng như cả nước. Bên cạnh đó, để đảm bảo yếu tố phát triển bền vững cũng phải chú trọng giải quyết tốt hơn vấn đề ô nhiễm, xử lý nước thải, rác thải từ các KCN, KKT, các cụm công nghiệp, làng nghề.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu 10 tỉnh có tỷ lệ lấp đầy các KCN còn thấp phải nỗ lực hơn nữa, tập trung thu hút, hỗ trợ đầu tư, đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng...

Các tỉnh cũng cần rà soát các KCN hoạt động kém hiệu quả (thuộc nhóm IV, nhóm V), các KCN chưa hoặc chậm đầu tư khu xử lý nước thải tập trung để tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp xử lý kiên quyết hơn nữa.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ KH&ĐT với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, các vấn đề cơ chế để "vẽ ra thật rõ đường đi cải cách", tìm ra các nút thắt cần tháo gỡ, tổng hợp trả lời kịp thời, đầy đủ các kiến nghị của chủ đầu tư, tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các KCN, KKT.

Đồng thời, rà soát chính sách ưu đãi để hướng dẫn tạo ra sự hài hòa, tránh chồng chéo và "dẫm chân" nhau trong thu hút đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu đầu tư phục vụ công tác quản lý, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các nghị định, văn bản hướng dẫn các vấn đề liên quan về phát triển KKT, KCN, cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ cho phù hợp với tình hình mới.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời

Ngày 23/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch Điện VII đã chủ trì cuộc họp xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời, chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng các cơ chế đi trước, tạo tiền để đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời để phát điện. Tinh thần là giúp các dự án, các chương trình khai thác, sử dụng điện mặt trời được hưởng ưu đãi về đầu tư, giá điện và thuế.

Theo Quy hoạch điện VII, nhu cầu điện toàn quốc được dự báo sẽ tăng gần 10%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Cân đối trữ lượng tài nguyên cho thấy bên cạnh những nguồn năng lượng hóa thạch, Việt Nam phải sớm tính tới việc khai tác các nguồn năng lượng mới, nhất là nguồn điện gió, điện sinh khối, điện mặt trời....

Đánh giá tiềm năng, Việt Nam có tổng số giờ nắng trong năm từ 1.400-3.000 giờ, tổng lượng bức xạ trung bình khoảng 230-250 kcal/cm2 là mức khá trên thế giới, phục vụ cho các nhu cầu phát điện, sấy, đun nấu,...

Công nghệ điện mặt trời tại Việt Nam vẫn là loại hình công nghệ mới, hiện chủ yếu là các dự án thí điểm, chưa nối lưới, chưa có dự án thương mại do trở ngại lớn về giá thành cao, suất đầu tư lớn và chưa có cơ chế riêng về giá bán để đảm bảo thu hút đầu tư trong lĩnh vực.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng các cơ chế đi trước, tạo tiền để đẩy mạnh việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời để phát điện. Tinh thần là giúp các dự án, các chương trình khai thác, sử dụng điện mặt trời được hưởng ưu đãi về đầu tư, giá điện và thuế,...

Theo đề án đang trong quá trình khởi thảo, cơ chế điện mặt trời sẽ quy định về quy hoạch, mục tiêu cho phát triển điện mặt trời, đầu tư nối lưới, các vấn đề liên quan đến khởi công, vận hành, chấm dứt thực hiện dự án.

Trong chính sách hỗ trợ, các nhà quản lý sẽ quy định trách nhiệm mua bán điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới, các ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, về đất đai. Đặc biệt sẽ có khung giá bán điện nối lưới và những ưu đãi hỗ trợ đối với các dự án không nối lưới.

Chính sách này, nhất là vấn đề giá sẽ được nghiên cứu kỹ tình hình thực tế, tham khảo kinh nghiệm các nước phát triển trong lĩnh vực này trên thế giới và trong khu vực.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp Tổng Giám đốc CitiGroup, Hoa Kỳ

Ngày 23/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tiếp Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Citigroup (Hoa Kỳ), ông Michael L. Corbat. Phó Thủ tướng ủng hộ Citigroup mở rộng và đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, thu hút các tập đoàn sản xuất kinh doanh, các định chế đầu tư lớn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Ngày 23/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tiếp Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Citigroup (Hoa Kỳ), ông Michael L. Corbat.

Ông Michael L.Corbat bày tỏ đánh giá cao các thành tựu của Chính phủ Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc nền kinh tế, hệ thống ngân hàng và cải cách hành chính để xây dựng môi trường kinh tế và đầu tư thuận lợi.

Lãnh đạo Citigroup đánh giá Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương vừa được ký kết mà Việt Nam là một trong những thành viên sẽ là động lực và cơ hội để Việt Nam tiếp tục triển khai các cải cách đang thực hiện.

Ông Michael L. Corbat mong muốn Citigroup tiếp tục được hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực đào tạo nhân lực kỹ năng cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tư vấn về tình hình kinh tế ở khu vực và thế giới phục vụ cho quá trình ban hành chính sách của Chính phủ.

Hoạt động kinh doanh chính của Citigroup ở Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào hỗ trợ các công ty xuyên quốc gia tại Việt Nam, cho các doanh nghiệp Việt Nam và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho công chúng.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ vui mừng khi nhiều đối tác đầu tư nước ngoài, trong đó có cả Citigroup đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thông thoáng cho các nhà đầu tư vào Việt Nam vì mục đích hai bên cùng có lợi.

Phó Thủ tướng ủng hộ Citigroup mở rộng và đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ đầu tư, thương mại giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, thu hút các tập đoàn sản xuất kinh doanh, các định chế đầu tư lớn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ cảm ơn và mong Citigroup tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực tài chính, ngân hàng chất lượng cao trong thời gian tới.