Trước khi tiến hành thảo luận tại hội trường, Quốc hội sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Dự thảo Bộ luật Dân sự có tổng cộng 672 điều, được bố cục thành 6 phần, 24 chương.
So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo giữ nguyên 263 điều, sửa đổi 297 điều, bổ sung 126 điều, bãi bỏ 149 điều.
Dự thảo Bộ luật Dân sự đã được đưa ra lấy ý kiến nhân dân theo Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 ngày 25/12/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Bộ Tư pháp, tính đến ngày 15/5/2015, qua 100 báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết quả của các hoạt động lấy ý kiến khác, đã có khoảng 8,5 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật này.
Tiếp thu ý kiến nhân dân, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp tổng hợp, nghiên cứu, phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức có liên quan và các chuyên gia để có những tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Bộ luật.
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét trong 3 kỳ họp (từ kỳ họp thứ 8 đến kỳ họp thứ 10) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Nguồn chinhphu.vn