(NTO) Trong các năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, tạo môi trường quan trọng để phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp như: Đề án dịch vụ công mức độ 3, Đề án xây dựng các trang tin điện tử, Quy định về quản lý, vận hành hệ thống thư điện tử công vụ; Chỉ thị chống thư rác; Chỉ thị về tăng cường sử dụng văn bản điện tử; Quy chế về tiêu chí đánh giá, phân loại kết quả thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch Ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Ninh Thuận hàng năm, 5 năm; Quy chế về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong lĩnh vực ứng dụng CNTT của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ UBND xã Phước Đại (Bác Ái) ứng dụng CNTT vào công tác quản lý địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc
Để đảm bảo việc triển khai hạ tầng và các ứng dụng CNTT được đồng bộ, tạo khả năng kết nối, liên thông giữa các hệ thống, UBND tỉnh luôn chỉ đạo phát triển theo tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước. Đến nay, đã có 100% các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã có mạng nội bộ (LAN); 25 đơn vị kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước với tốc độ từ 2-4 Mbps phục vụ công việc trong nội bộ cơ quan. Tuyến cáp quang kết nối Internet đã kết nối 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã trên toàn tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng tại Trung tâm được trang bị 2 đường truyền Internet trực tiếp mỗi đường 20Mbps trong nước, 2Mbps đi quốc tế. Hệ thống mạng, máy chủ và thiết bị lưu trữ tại Trung tâm đang được đầu tư theo hướng tập trung cơ bản đủ cung cấp tất cả dịch vụ cho các sở, ban, ngành. Hệ thống bảo mật, an ninh cũng được quan tâm đầu tư với các thiết bị FireWall; hệ thống phòng chống thư rác (Spam) và các phần mềm phòng chống virus.
Hệ thống thư điện tử của tỉnh đến thời điểm năm 2015 đã cấp 2.700 địa chỉ thư điện tử cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện, các tổ chức Đảng, đoàn thể. Trong đó, số cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được cấp thư điện tử chiếm tỷ lệ 100%.
Tỷ lệ cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc là 85%. Toàn bộ giấy mời họp, tài liệu họp và lịch công tác của UBND tỉnh đều được gửi thông qua hệ thống thư điện tử. Các đơn vị, cán bộ, công chức đã từng bước tăng cường việc trao đổi, gửi nhận qua thư điện tử các loại văn bản dự thảo, báo cáo, góp ý dự thảo... góp phần tiết kiệm giấy tờ, trao đổi thông tin được nhanh chóng, kịp thời, giúp giải quyết công việc tốt hơn.
Tập trung triển khai các phần mềm dùng chung: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành đến nay đã triển khai cho 51 đơn vị. Ngoài ra, còn cài đặt và tập huấn cho 14 đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành. Đồng thời đã triển khai cho 16 xã, phường trên địa bàn thành phố.
Tạo lập các kênh thông tin giao tiếp giữa các cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp
Công khai, minh bạch hoạt động hành chính không phải là dễ dàng. Trong thực tế, để tất cả các cơ quan nhà nước thực hiện công khai, minh bạch đòi hỏi về thời gian rất dài. Ngoài ra, mục tiêu công khai, minh bạch đòi hỏi phải được sự giám sát chặt chẽ của người dân, doanh nghiệp và lãnh đạo, trong đó vai trò của người dân và doanh nghiệp là quan trọng nhất. Phải có công cụ để người dân tiếp cận quá trình giám sát hoạt động của cơ quan công quyền. Một trong những công cụ giám sát hiệu quả đó là “Cổng thông tin điện tử”, hệ thống “một cửa điện tử” và “dịch vụ công”. Đây không chỉ đơn thuần là công cụ thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, mà còn là mức đánh giá hiệu quả việc minh bạch thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh.
Nhận định Cổng thông tin điện tử là kênh giao tiếp quan trọng giữa chính quyền với người dân và các tổ chức, do vậy UBND tỉnh đã xây dựng Cổng thông tin điện tử chung của tỉnh, 18 trang thông tin điện tử thành phần của các sở, ban, ngành và 7 trang tin điện tử cho UBND các huyện, thành phố, tạo môi trường giao tiếp, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị với người dân và doanh nghiệp. Cổng thông tin điện tử được đánh giá theo hướng lấy người dân làm trung tâm: Thuận tiện, dễ tìm, dễ khai thác, đầy đủ thông tin để mọi người khai thác. Về tổng thể Cổng thông tin điện tử tỉnh đã cung cấp đầy đủ thông tin trên 15 tiêu chí chính là: Thông tin giới thiệu; Hệ thống văn bản pháp quy; Công báo điện tử; Thông tin thủ tục hành chính; Thông tin về dự án, hạng mục đầu tư, đấu thầu, mua sắm công; Thông tin về chương trình nghiên cứu, đề tài khoa học; Mục lấy ý kiến góp ý; Thông tin quản lý, chỉ đạo điều hành; Thông tin thống kê chuyên ngành; Thông tin tiếng nước ngoài; Chức năng hỗ trợ khai thác thông tin; Cập nhật đầy đủ và kịp thời; Công tác tổ chức quản trị. Trung bình hàng năm Cổng thông tin điện tử đăng khoảng 1.500 tin và 3.500 tin từ Trang tin điện tử các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu Văn bản chỉ đạo, điều hành hàng năm đăng 7.255 văn bản và Công báo tỉnh đăng 123 công báo.
Nhằm thống nhất quy trình tiếp nhận và trả hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ, giảm chi phí đi lại của công dân và các tổ chức và giảm công văn, giấy tờ, tiết kiệm chi phí, năm 2013 và 2014, tỉnh ta đã đưa vào khai thác và sử dụng phần mềm “một cửa điện tử liên thông” tại Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO), bao gồm 19 thủ tục một cửa liên thông và một cửa điện hiện đại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.
Tỉnh cũng đã từng bước xây dựng phần mềm Khung giải pháp dịch vụ công mức độ 3. Khung giải pháp này là cơ sở để tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của các cơ quan nhà nước trên toàn tỉnh, giúp giảm chi phí và tránh trùng lắp khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dịch vụ công mức độ 3 của các cơ quan nhà nước. Tính đến năm 2015, toàn tỉnh có 51 dịch vụ công mức độ 3 (Sở Thông tin và Truyền thông: 5 thủ tục; Công an tỉnh: 1 thủ tục; Sở Tài nguyên và Môi trường: 21 thủ tục; Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO): 19 thủ tục; Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: 3 thủ tục; Sở Khoa học và Công nghệ: 2 thủ tục).
Việc xây dựng dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách CNTT cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố được quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 105 cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách CNTT có trình độ cao đẳng, đại học và thạc sĩ trở lên. Hàng năm đều được đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức ứng dụng CNTT; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Ngoài ra còn đào tạo cho 150 cán bộ xã về ứng dụng CNTT theo Đề án 1956.
Năm 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đầu tư với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng, cùng với nguồn vốn của tỉnh cho Trung tâm tích hợp dữ liệu bao gồm: Hệ thống máy chủ, các thiết bị mạng, Firewall, thiết bị chống tấn công, thiết bị giám sát, hệ thống lưu trữ, chống Spam,... Đây là đầu mối cung cấp các dịch vụ hosting mail, cổng, trang thông tin điện tử, một cửa điện tử, dịch vụ công mức độ 3, 4, lưu trữ tập trung các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố; dịch vụ VPN, điện toán đám mây cho hệ thống mạng WAN tỉnh đảm bảo quản lý thống nhất, an toàn cho các hệ thống thông tin.
Về doanh nghiệp phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 40 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, gia công, cung cấp sản phẩm/dịch vụ phần mềm; 86 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, lắp ráp, cung cấp sản phẩm/dịch vụ phần cứng-điện tử; 6 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và cung cấp sản phẩm/dịch vụ nội dung số; 162 doanh nghiệp, đơn vị buôn bán các sản phẩm CNTT. Có 652 người lao động trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh có liên quan đến CNTT. Tổng doanh thu từ lĩnh vực CNTT của tất cả các đơn vị sản xuất, kinh doanh CNTT một năm khoảng 40 tỷ đồng.
Định hướng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin
Sự tin tưởng và hợp tác của công dân vào chính phủ điện tử và vào công nghệ là vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của chương trình xây dựng Chính phủ điện tử để minh bạch thông tin. Chính công dân là người sử dụng và cũng là trung tâm của Chính phủ điện tử, việc xây dựng Chính phủ điện tử không nằm ngoài mục đích phục vụ công dân tốt hơn.
Để xây dựng thành công “minh bạch thông tin” cần đột phá khâu cải cách hành chính, vì vậy Đảng và Nhà nước thực hiện “Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới hiện nay”. Cái đích của cải cách hành chính là xây dựng một nền hành chính gần dân, vì dân, đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của người dân. Có tác động tích cực đối với đời sống kinh tế-xã hội.
Trong điều kiện nền hành chính còn nhiều hạn chế như hiện nay, chính chương trình cải cách hành chính đã là chủ thể đưa ra mục tiêu, yêu cầu cho việc xây dựng Chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử là công cụ tốt nhất quyết định sự thành công cải cách hành chính.
Chính quyền điện tử tại Ninh Thuận trong thời gian tới sẽ xây dựng thành công mô hình: Chính quyền, công chức, người dân và doanh nghiệp; bao gồm các nội dung sau:
1. Đổi mới, nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với việc ứng dụng, phát triển CNTT
Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về CNTT trong xã hội, bảo đảm CNTT là một trong các nội dung trọng tâm, thường xuyên trong các chương trình truyền thông của các cơ quan thông tin đại chúng các cấp. Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong việc phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về CNTT.
Xây dựng một số chương trình truyền hình và phát thanh của tỉnh, chuyên mục trên Báo Ninh Thuận để tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức và kiến thức công nghệ thông tin-truyền thông cho Nhân dân.
2. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách pháp luật về ứng dụng, phát triển CNTT
Cụ thể hóa các văn bản của Chính phủ, bộ, ngành về ứng dụng và phát triển CNTT phù hợp với điều kiện của tỉnh nhằm tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển Chính quyền điện tử của tỉnh gồm:
- Chuẩn hóa quy trình tác nghiệp tại các cơ quan. Chuẩn hóa các quy trình, tiêu chuẩn chuyên ngành, quy định về tạo nguồn thông tin, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị được thuận lợi và an toàn.
- Quy định quản lý các dự án ứng dụng CNTT, sử dụng, khai thác các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh.
Tạo các cơ chế để thu hút đầu tư và phát triển thị trường CNTT:
- Xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển thị trường CNTT, đặc biệt chú ý đến việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm và dịch vụ CNTT được tạo ra trong tỉnh, trong nước. Tạo hành lang pháp lý để hình thành các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến mô hình Chính quyền điện tử.
- Xây dựng các chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước, có thương hiệu Việt Nam trong các công trình, hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước.
3. Xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng CNTT, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử cấp tỉnh
Triển khai và đưa vào vận hành, sử dụng hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng và Nhà nước; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT để triển khai hiệu quả mô hình “một cử điện tử”, “dịch vụ công mức độ 3, 4” cho UBND các huyện và các sở, ban, ngành; nâng cấp hệ thống mạng LAN cho các cơ quan quản lý nhà nước; nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đảm bảo là trung tâm dữ liệu chung cho toàn tỉnh; triển khai trung tâm hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp,...
4. Ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước
Từng bước tạo dựng đội ngũ công chức điện tử; tăng cường trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng giữa các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm dùng chung; xây dựng dịch vụ công mức độ 3,4; một cửa điện tử; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; hoàn thiện hệ thống thư điện tử, cổng, trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố; số hóa tài liệu lưu trữ; áp dụng chữ ký số vào giao dịch điện tử trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành;....
5. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển CNTT
Phát triển đội ngũ nhân lực CNTT chuyên nghiệp cả về số lượng và đảm bảo đáp ứng các chuẩn kỹ năng CNTT quốc gia. Ưu tiên tập trung đào tạo kỹ năng về ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức và nghiệp vụ cho cán bộ công chức chuyên trách về CNTT của sở, ban, ngành, huyện, thành phố.
Tập trung xây dựng chương trình, hợp tác trong và ngoài nước cho đào tạo nhân lực an toàn thông tin, an ninh mạng, đáp ứng tình hình cấp bách về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin, nhất là nguồn nhân lực phục vụ quốc phòng-an ninh.
6. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin số trong hoạt động của cơ quan nhà nước
Tiếp tục duy trì, vận hành ổn định, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống thư điện tử, các phần mềm dùng chung, các cơ sở sữ liệu chuyên ngành. Ưu tiên ứng dụng, phát triển CNTT trong các hệ thống thông tin chỉ huy, điều hành, quản lý của quân đội; trong các đề án hiện đại hóa toàn diện các lực lượng công an nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, bảo vệ Tổ quốc và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
7. Hợp tác và hội nhập về CNTT
Chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về CNTT của Chính phủ, bộ, ngành, các viện nghiên cứu để đề xuất triển khai các hợp phần công việc phù hợp trên địa bàn tỉnh; chủ động xây dựng các chương trình, dự án CNTT để đề xuất tài trợ, hỗ trợ thông qua các chương trình hợp tác quốc tế của Trung ương.
Chủ động tham gia các chương trình hợp tác về CNTT với các tỉnh lân cận, và các địa phương phát triển mạnh về công nghệ thông tin như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…; tổ chức học tập kinh nghiệm, kết nối chia sẻ thông tin CNTT với các tỉnh thành khác.
Có cơ chế, chính sách thu hút các nhà làm CNTT, chuyên gia trình độ cao, các đơn vị CNTT có uy tín trong nước tham gia, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ CNTT của tỉnh.
Đào Xuân Kỳ