Theo đánh giá của Sở KH&CN, việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn giai đoạn này cơ bản đảm bảo đúng quy định, ưu tiên đầu tư các nhiệm vụ theo định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đó là chú trọng cho các đề tài phục vụ phát triển nông nghiệp. Nổi lên như Dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN “1 phải 5 giảm” trong thâm canh cây lúa tại huyện Ninh Phước” đem lại lợi nhuận cao hơn từ 7 -12 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường.
Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ các giải pháp tham gia Cuộc thi sáng tạo
dành cho thanh thiếu niên nhi đồng năm 2015.
Kết quả đạt được từ hoạt động chuyển giao ứng dụng tiến KHCN vào thực tế, tạo cơ sở để năm 2014, UBND tỉnh phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình tại 3 huyện: Ninh Phước, Thuận Bắc và Ninh Sơn, với quy mô 8.000 ha, tổng vốn triển khai 143 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn đối ứng của nông dân, vốn sự nghiệp của tỉnh chỉ chiếm 1% cơ cấu vốn đề án. Ngân sách chi cho lĩnh vực này không nhiều, nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, đó là tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, an toàn, theo hướng bền vững, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân.
Nhờ phân bổ nguồn vốn cho hoạt động KHCN giai đoạn này hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, nên đa phần các dự án đạt được mục đích đề ra là hướng đến phục vụ đắc lực cho Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế biển. Đơn cử như Đề tài “Thử nghiệm sinh sản nhân tạo ghẹ xanh và cua xanh tại Ninh Thuận” đã ứng dụng sản xuất thành công ở quy mô thương mại, giúp hộ nuôi có được nguồn giống rẻ, chất lượng cao. Hay như Đề tài “Nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống hàu cửa sông và hàu Thái Bình Dương tại Ninh Thuận” mặc dù đang trong giai đoạn thực hiện, nhưng con giống sản xuất được ngư dân ở thôn Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải) và khu vực đầm Nại thuộc các xã Tri Hải, Phương Hải, Tân Hải (Ninh Hải) đón nhận, đưa vào nuôi thương phẩm cho kết quả khả quan.
Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, nhìn nhận: Việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học thành công ở giai đoạn này tạo lợi thế để đề xuất với các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nhân rộng vừa tiết kiệm được nguồn ngân sách đáng kể vừa đạt được mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Ghi nhận kết quả nghiên cứu trong giai đoạn này, các tổ chức quốc tế đã đầu tư để ứng dụng nhân rộng trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí tài trợ lên đền hàng trăm nghìn USD. Cụ thể, quỹ Môi trường toàn cầu của Liên Hiệp quốc tài trợ Đề tài “Ứng dụng đèn LED cho nghề lưới vây xa bờ” trên 79.000 USD để tiếp tục triển khai nhận rộng; Đề tài “Nghiên cứu về cây thuốc, bài thuốc của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận” hơn 1 tỷ đồng để bảo tồn các loại cây thuốc này. Các kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học ở khu vực biển ven bờ và tài nguyên san hô cũng đã được Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc tài trợ 500.000 USD để xây dựng mô hình quản lý bền vững…
Tuy nhiên, kinh phí ngân sách nhà nước sử dụng cho hoạt động KHCN giai đoạn này còn bộ lộ hạn chế. Do việc đầu tư còn dàn trải, năng lực đơn vị chủ trì yếu, không đáp ứng yêu cầu, dẫn đến thực hiện không đạt các nội dung dự án, như Dự án “Mô hình trồng bắp lai xen đậu ván tại xã Ma Nới” (Ninh Sơn) đã bị đình chỉ. Để đổi mới cơ chế sử dụng tài chính cho hoạt động KHCN, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 65/2015/QĐ-UBND ngày 17-9-2015 về việc quy định mức xây dựng dự toán đối với nhiệm vụ KH&CN. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020 áp dụng cơ chế đặt hàng, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước thông qua Quỹ phát triển KHCN của tỉnh. Với cở chế này, sẽ tạo sự linh hoạt trong cấp phát tài chính, phù hợp với yêu cầu hoạt động của KHCN.
Anh Tùng