Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự Hội thảo quốc tế về an ninh nguồn nước
Tại hội thảo, triển lãm quốc tế “An ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động” (VACI 2015), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Việt Nam tự xác định là quốc gia thiếu nước, nên sẽ luôn coi trọng các ứng xử, hành động đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ phát triển bền vững; tích cực trong các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội thảo "An ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động" (VACI 2015) là hội thảo thường niên về nước hưởng ứng tinh thần Liên Hợp Quốc kêu gọi, thu hút đông đảo các tổ chức, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực gặp gỡ, chia sẻ cơ hội hợp tác, giới thiệu công nghệ, giải pháp mới trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, thách thức liên quan đến nguồn nước đang ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và mang tầm toàn cầu hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, gia tăng các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước xuyên quốc gia do nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng. Tại Việt Nam, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đã và đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước. Với khoảng 63% trong tổng trữ lượng 830-840 tỉ m3 nguồn nước bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào những động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng và sông Mekong.
Mặc dù đã thống nhất xây dựng khá nhiều cơ chế hợp tác song phương, đa phương về phát triển bền vững nguồn nước, thực tế phát triển và xu hướng chiếm hữu tài nguyên đang đặt ra nhiều sức ép cho Việt Nam, một quốc gia ở hạ nguồn vốn có ít lợi thế hơn trong các đàm phán về sử dụng nguồn nước quốc tế. Để đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trong kỷ nguyên biến động, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống có hiệu quả các tác hại của nước do nhân tai gây ra. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với các quốc gia ở thượng nguồn để cùng bảo vệ, chia sẻ, khai thác công bằng, hiệu quả nguồn tài nguyên nước.
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo và triển lãm, Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu sẽ đưa ra nhiều thông tin, giải pháp hữu ích liên quan đến việc bảo đảm an ninh nguồn nước trong giai đoạn biến đổi khí hậu rõ rệt hiện nay, góp phần thay đổi nhận thức và hành động ở mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cá nhân trong đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, mang lại công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước, góp phần đạt được mục tiêu nước toàn cầu “đảm bảo an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững”.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp cựu Thủ tướng Anh Tony Blair
Ngày 19/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tiếp ông Tony Blair, cựu Thủ tướng Vương quốc Anh và Bắc Ireland sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Hoan nghênh chuyến thăm của cựu Thủ tướng Tony Blair, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những hoạt động của ông trong vai trò đứng đầu Văn phòng Cựu Thủ tướng Tony Blair (TBA), đã nỗ lực cùng Chính phủ Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt-Anh trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Văn phòng TBA và Bộ KH&ĐT đã ký kết Thỏa thuận hợp tác cho giai đoạn tiếp theo, tập trung vào các lĩnh vực như thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách DNNN và hợp tác công-tư.
Phó Thủ tướng mong muốn, thời gian tới, ông Tony Blair và Văn phòng TBA tiếp tục duy trì hợp tác với Việt Nam, xây dựng các hoạt động cụ thể, thiết thực, nhất là trong lĩnh vực tư vấn và xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang rất chú trọng, xây dựng khung pháp lý cho hoạt động PPP phục vụ nhu cầu thu hút đầu tư lớn ở các lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng, nông nghiệp, giáo dục, y tế…
Cựu Thủ tướng Tony Blair bày tỏ vui mừng sang thăm Việt Nam, cho biết mục tiêu chuyến thăm nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác của Văn phòng TBA với các cơ quan đối tác Việt Nam. Trong thời gian tới, TBA đặc biệt quan tâm tới chủ trương cải cách doanh nghiệp Nhà nước mà Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và ông Tony Blair đã đề cập tới một số vấn đề trong tái cơ cấu, sắp xếp lại một số ngành, doanh nghiệp cụ thể trong lĩnh vực giao thông, điện. Cựu Thủ tướng Tony Blair mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để việc triển khai hợp tác, hỗ trợ các lĩnh vực hợp tác này cụ thể và mạnh mẽ hơn nữa.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dự Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập SCIC
Chiều 19/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã đến tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, việc ra đời của SCIC là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng, góp phần từng bước tách chức năng quản lý hành chính của chủ sở hữu và điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ cơ chế mệnh lệnh hành chính sang cơ chế đầu tư, kinh doanh vốn.
Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Tổng công ty đã chủ động tích cực triển khai và đã tiếp nhận, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp; thoái vốn tại hơn 800 doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ đạt hiệu quả cao. Theo báo cáo của SCIC, trong số 1.000 doanh nghiệp trên thì chỉ có 60 doanh nghiệp nhỏ gặp thua lỗ, thuộc diện kiểm soát đặc biệt (chiếm 6,5%). Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân chung của các doanh nghiệp khoảng 15- 17%, đặc biệt có doanh nghiệp có chỉ số ROE cao từ 30- 46%. Tổng nguồn thu cổ tức cho nhà nước lũy kế trên 21.000 tỷ đồng.
Qua 10 năm triển khai thoái vốn nhà nước, bình quân vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà SCIC quản lý đã giảm từ 36% xuống còn 22% hiện nay. Việc bán vốn nhà nước tại hơn 800 doanh nghiệp cho doanh thu 9.243 tỷ đồng, cao hơn giá trị sổ sách tới 5.360 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực đổi mới và phát triển doanh nghiệp, SCIC giữ vai trò là cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Tính tới cuối tháng 9/2015, SCIC đã đôn đốc thu Quỹ đạt 100.000 tỷ đồng và thực hiện chi trả kịp thời, góp phần thúc đẩy hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp.
Nhìn nhận về kết quả hoạt động sau 10 năm thành lập của SCIC, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá: SCIC đã từng bước đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước sang phương thức đầu tư và kinh doanh vốn thông qua việc tăng cường vai trò của cổ đông nhà nước trong quản trị doanh nghiệp, thực hiện tái cơ cấu, xử lý tồn tại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; trở thành công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá và cơ cấu lại phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, tích tụ, tập trung vốn để đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu, then chốt cần nắm giữ, chi phối theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
Phó Thủ tướng lưu ý, để trở thành một tổ chức kinh tế đặc biệt của Chính phủ, SCIC phải hoàn thành xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; chủ động báo cáo đề xuất với Đảng, Nhà nước nhằm tiếp tục củng cố và hoàn thiện mô hình hoạt động của Tổng công ty trong tình hình mới.
Thứ hai, SCIC tiếp tục công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng bàn giao, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ bàn giao vốn nhà nước về Tổng công ty sau khi hoàn thành cổ phần hóa.
Thứ ba, SCIC đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ; thực hiện tốt vai trò cổ đông nhà nước tại một số doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả cao, thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ; từng bước mở rộng hoạt động đầu tư tài chính; tạo bước chuẩn bị quan trọng để đẩy mạnh hơn chức năng đầu tư kinh doanh vốn của Tổng công ty trong thời gian tới.
Cuối cùng, SCIC hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Kiện toàn hệ thống Người đại diện vốn Nhà nước, xây dựng cơ chế để nâng cao nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của Người đại diện tại các doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng chủ trì Kỳ họp thứ 14 Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia
Ngày 19/10, tại TPHCM, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học-kỹ thuật.
Tại kỳ họp, hai bên đã tập trung rà soát việc triển khai các thỏa thuận hợp tác của kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hỗ hợp Việt Nam-Campuchia, nhất trí cho rằng việc Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên trao đổi, tổ chức nhiều chuyến thăm hữu nghị... góp phần làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Hai bên cũng nhất trí cho rằng hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hợp tác về giáo dục-đào tạo, viễn thông, nông-lâm-ngư nghiệp, du lịch, tài chính, ngân hàng, y tế, hàng không, năng lượng, dầu khí… được quan tâm đẩy mạnh.
Về phương hướng và các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới, lãnh đạo hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác giáo dục, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, triển khai hiệu quả các dự án đã được cấp phép và sớm ký kết các thỏa thuận hợp tác mới; tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như tài nguyên môi trường, nông-lâm-ngư nghiệp, năng lượng, dầu khí, lao động, y tế… và triển khai kết nối hai nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực giao thông, viễn thông, tài chính, ngân hàng và du lịch. Việt Nam và Campuchia cùng khẳng định quyết tâm sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển; nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong thời kỳ chiến tranh ở Campuchia; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ Hoàng gia Campuchia trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, đặc biệt là trong việc Chính phủ Campuchia đảm bảo lợi ích chính đáng của kiều dân Việt Nam sinh sống tại Campuchia phù hợp với quy định, luật pháp của Campuchia và trên tinh thần quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước trong thời gian qua.
Về hợp tác đầu tư và thương mại, hai nước cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; phối hợp tuyên truyền Luật Đầu tư và các luật liên quan của hai nước; ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ hiệu quả để Việt Nam đầu tư vào Camphuchia; quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, triển khai hiệu quả các dự án. Để thúc đẩy thương mại hai chiều giữa hai nước trong thời gian tới, cơ quan chức năng hai nước cần phối hợp chặt chẽ và đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh sửa đổi và bổ sung Hiệp định thương mại và Hiệp định về mua bán và trao đổi hàng hóa, dịch vụ tại khu vực biên giới giữa hai nước trong năm 2015; rà soát hệ thống cửa khẩu giữa hai nước để lựa chọn một số cửa khẩu trọng điểm tạo thuận lợi trong giao thương; tăng cường phối hợp chống buôn lậu và gian lận thương mại qua biên giới, bao gồm việc sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng.
Phó Thủ tướng đề nghị về công tác giáo dục đào tạo, trong thời gian tới cơ quan chức năng hai nước cần tiếp tục chú trọng đào tạo lưu học sinh; thúc đẩy, tăng cường hợp tác trong việc tuyển chọn các du học sinh Campuchia sang Việt Nam, trong đó chú trọng đào tạo tiếng Việt cho học sinh Campuchia trước khi sang Việt Nam học tập.
Trong lĩnh vực hợp tác quản lý đất đai, quy hoạch đô thị và xây dựng, Phó Thủ tướng đề nghị phía Campuchia tiếp tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phục vụ mục đích kinh tế cho các nhà đầu tư Việt Nam theo đúng quy định pháp luật của nước sở tại; thực hiện đúng những điều khoản, quy định đối với những dự án đã được cấp phép trước đó.
Thay mặt Chính phủ và nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng Hor Namhong trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực, toàn diện của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong suốt thời gian qua; đồng thời khẳng định ngay sau kỳ họp lần này, các cơ quan chức năng Campuchia sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm cụ thể hóa hơn nữa các Hiệp định đã được ký kết giữa hai nước, qua đó góp phần vun đắp mối quan hệ truyền thống Việt Nam-Campuchia ngày càng tốt đẹp và bền chặt.
Cũng trong dịp này, đại diện lãnh đạo hai nước Việt Nam và Campuchia đã ký Biên bản Thỏa thuận của kỳ họp làm cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương hai bên tiếp tục triển khai hợp tác trong thời gian tới, đưa mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước ngày càng phát triển bền vững. Theo thỏa thuận, kỳ họp UBHH Việt Nam-Campuchia lần thứ 15 sẽ được tổ chức tại Campuchia trong năm 2016.
Nguồn Văn phòng Chính phủ