Anh bạn thân của tôi ấm ức kể: Xưa nay, ai cũng biết, đàn ông luôn được xem là “phái mạnh” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thế mà, vợ chồng ăn ở với nhau đã gần 20 năm, bữa rồi đột ngột móc họng: “Mấy anh bảo đàn ông là phái mạnh hả? Mạnh ăn, mạnh chơi thì có”. Câu nói của người vợ hiền thảo xưa nay như một mũi dao nhọn cứa vào lòng kiêu hãnh của mình. Ông thấy đấy, từ cổ chí kim, ai chẳng biết, chị em phụ nữ là phái yếu? Gọi họ là phái yếu bởi vốn dĩ họ đã yếu đuối, mềm mại, liễu yếu đào tơ, luôn cần được đàn ông (phái mạnh) chở che, bao bọc. Không phải ngẫu nhiên mà trong đời thường, sách vở, thi ca…. gọi các nàng là liễu, là mai, là đào, chứ có ai gọi các cô, các bà, các chị, các em là tùng, là bách... đâu? Vậy, đích thị họ là phái yếu rồi! Thấy diễn biến câu chuyện có vẻ đến lúc cao trào, tôi cắt ngang: Ông nói từ nãy đến giờ nhưng tôi vẫn chưa hiểu tại sao vợ ông lại không thừa nhận ông là “phái mạnh”. Như chợt tỉnh, anh chàng đi vào phần chính: Ông biết đấy, hồi mới lấy nhau và sau này có em bé, tôi cứ như người bị bỏ bùa mê. Con vợ tôi nó dịu dàng làm sao: Anh ơi, em cho con bú tí, anh giúp em giặt tã lót cho bé,… rồi anh yêu bữa nay đi chợ, nấu ăn nhé… sai chồng mà cứ như chim hót. Nhưng nay thì hết anh ơi rồi, thay bằng “ba hôm nay làm việc này, việc kia”, “ba không được đi nhậu, ở nhà chở vợ con xuống ngoại”... toàn “lệnh” đột xuất làm tôi thất hứa với bạn bè. Nghe bạn kể lể khá dài, tôi nói: Mình thấy vợ chồng ông lâu nay vẫn là đôi mơ ước của bọn mình, ông cứ “phức tạp” tình hình. Chừng như bớt giận, anh dịu giọng: Thực ra lâu nay tớ bỏ nhậu tới 70%, chiều chiều sau giờ làm về chơi thể thao cho có sức khoẻ, nhưng khổ nỗi con vợ tớ chơi bài “người tỉnh dợt người say” nên nhiều lúc quá đà tớ hăng máu anh hùng (phái mạnh) đập bể vô số chén, dĩa… Sáng ngày sau nhà cứ như vừa qua trận “Oateclo”, rồi phải tự dọn sạch sẽ, rồi mua đền lại, đã thế vợ không chia sẻ còn đá xoáy thêm “cho biết, đừng tưởng đàn ông là phái mạnh”! Cái khổ nhất là hai đứa con luôn đứng về phía mẹ, làm mình yếu thế. Nhưng nghĩ lại, thấy vợ mình đúng, lo chăm sóc chồng, con cái, tối tối kèm đứa út học bài rồi đưa đón chúng những bữa học thêm, công việc cơ quan thì hoàn tất, lại còn lo ăn uống cho mẹ chồng, mẹ mình nữa chứ. Nghe bạn trải lòng, tôi tán thêm: Ông đúng là số sướng! Nhưng mà này, tôi nói thiệt ông cứ bực tức như bữa nay coi chừng mất cả chì lẫn chài lúc nào không biết. Nghe xong, bạn mình bỗng đổi giọng: Có lẽ tôi phải rút lại lời nói và xin lỗi lòng kiêu hãnh đã bị tổn thương nghiêm trọng của mình với bà xã!!!
Bạn tôi nhường vợ tự nhận mình là phái yếu cũng chẳng sao, nhưng làm gì có chuyện phụ nữ là phái mạnh, có chăng khi họ chuyển giới. Nhưng rồi, lần hai vợ chồng tôi đi nghỉ mát với cơ quan ở Đà Lạt. Về tới nhà, tôi mệt phờ, còn vợ thì vừa dọn dẹp nhà cửa, vừa lo nấu ăn. Lúc đó, hai đứa con chạy giỡn ồn ào, tôi bực mình: Mệt chết người, có để cho ba nghỉ ngơi không? Vợ tôi nói vọng lên: Đi chơi mà mệt thì lần sau cứ ở nhà cho khỏe anh à! Tôi tịt ngòi. Lại có lần, vợ tôi bị cảm cúm dài ngày, trông cứ như người vô hồn. Tôi chắc mẩm, lần này vợ làm “phái yếu” rồi. Cô ấy phải ngồi một chỗ để nhìn tôi: Lau nhà, đi chợ, nấu cơm, giặt đồ... Không có bàn tay vợ nhưng theo hướng dẫn của cô ấy, nhà cửa vẫn gọn gàng, ngăn nắp, cơm nước vẫn tinh tươm. Tôi đắc ý: “Em thấy chưa? Bây giờ thừa nhận mình là phái yếu đi!”. Ai dè, cô ấy thủng thẳng: Trước nay có bao giờ kẻ yếu ra lệnh cho người mạnh đâu? Tôi đứng chết trân ngó vợ, vậy ra mấy ngày nay bà xã toàn ra lệnh cho mình, kẻ yếu... là tôi sao?
Trong thời đại kinh tế thị trường mà hàm lượng tri thức trong mỗi sản phẩm phục vụ con người quyết định việc “ai thắng ai” thì đàn ông chắc gì là phái mạnh. Phụ nữ vốn thông minh, tinh tế, nhạy cảm, nếu họ quyết tâm thì sẽ không còn là phái yếu. Câu chuyện về bạn tôi và của tôi là những chuyện có thật trong cuộc sống hiện đại, ở đó các chị đã khẳng định vị thế của mình bằng tài năng và cả sự tinh quái đến kỳ lạ. Đã đến lúc cánh đàn ông phải tự hỏi liệu “Phụ nữ có còn là phái yếu”?!
Thanh Tâm