GS. TSKH. Trần Văn Nhung. Ảnh: VGP/Phương Liên
GS. TSKH. Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Tổng Thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đã dành cho Báo điện tử Chính phủ cuộc trò chuyện xung quanh những điểm mới về giáo dục trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Dự thảo Báo cáo chính trị xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách, phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Chúng ta cũng đang thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Vậy ông đánh giá như thế nào về hiệu quả cũng như tốc độ triển khai của cải cách này?
GS. Trần Văn Nhung: Tôi đã đọc kỹ Dự thảo Báo cáo chính trị. So với những báo cáo trước, báo cáo lần này cô đọng, tập trung về một số vấn đề quan trọng, nổi bật lên là tinh thần hội nhập quốc tế về kinh tế, giáo dục, hội nhập quốc tế về các hoạt động xã hội, các dịch vụ, các tổ chức, các quy tắc… Cách đây khoảng 6 tháng tôi có một bức tâm thư gửi đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị sớm ra một quốc sách để hướng dẫn cho cả nước trong việc nâng cao tầm quan trọng của tiếng Anh, xem tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Việt, xem tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất, tăng cường từ việc dạy, việc học, việc sử dụng trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Năm 2000, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị về phát triển công nghệ thông tin, là một quyết định rất sáng suốt, quan trọng, hợp thời cuộc, đúng lòng dân. Sau 15 năm, chúng ta thấy công nghệ thông tin đã đi vào mọi mặt đời sống xã hội của Việt Nam. Nước ta thu nhập chưa cao nhưng tôi nghĩ rằng, sự phổ cập và ứng dụng tin học của chúng ta đã rộng khắp. Chúng ta đã có một số doanh nghiệp viết phần mềm hoạt động được trên thị trường thế giới. Chúng ta nhớ rằng thời buổi hội nhập hiện nay, các công dân toàn cầu trong nhiều tố chất rất cần 2 thứ, đó là tiếng Anh và công nghệ thông tin. Nhưng tiếng Anh của chúng ta so với khả năng về công nghệ thông tin là có khoảng cách khá xa. Vì vậy, tăng cường tiếng Anh theo tôi là một đòi hỏi cấp bách, mang tính chiến lược do đòi hỏi của quốc gia và của quốc tế.
Nếu Đảng, Nhà nước có quyết sách về việc phát triển dạy và học tiếng Anh thì toàn bộ hệ thống chính trị sẽ vào cuộc, việc dạy, học, thi cử, việc sử dụng tiếng Anh sẽ mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Ví dụ về Singapore chẳng hạn. Năm 1965, khi Singapore vừa độc lập, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã chỉ đạo toàn dân hãy giữ lấy văn hóa, nói tiếng nói trong gia đình nhưng đến nhà trường và công sở phải nói tiếng Anh. Như vậy, việc xác định tầm quốc tế hóa nền giáo dục, và đặc biệt là tiếng Anh là vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta không có tiếng Anh thì không thể cạnh tranh được với thế giới.
Ta nói giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng tôi muốn nhấn mạnh về tính thực sự của nó, chứ không phải chỉ là ngôn từ.
Chỉ mấy tháng nữa thôi chúng ta sẽ hết năm 2015, đến năm 2016 chúng ta sẽ trở thành một thành viên chính thức của Cộng đồng ASEAN, tôi rất mừng thấy chúng ta đã chuẩn bị rất tốt. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn đặt câu hỏi rằng chuẩn bị hội nhập về kinh tế thì trước đó phải chuẩn bị nguồn nhân lực, về văn hóa nói chung. Chỉ còn 3 tháng nữa, so sánh trình độ tiếng Anh của chúng ta với ASEAN như thế nào, tôi không ngần ngại nói rằng chúng ta là yếu nhất. Thiếu công cụ tiếng Anh để giao tiếp thì chúng ta sẽ hội nhập ra sao, ta sẽ khắc phục như thế nào và ai lo việc khắc phục. Chúng ta nằm trong cộng đồng và phải hội nhập. Công cụ để hội nhập là tiếng Anh và công nghệ thông tin. Có như vậy, giáo dục mới hội nhập được với khu vực và thế giới.
Dự thảo cũng nêu những mặt hạn chế khi đánh giá chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Vậy theo ông, điểm hạn chế này xuất phát từ đâu và giải pháp khắc phục là gì khi chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng và có sức cạnh tranh cao là hết sức cần thiết.
GS. Trần Văn Nhung: Đúng là trong Dự thảo báo cáo chính trị, nếu gọi là điểm qua về giáo dục của mình sau 70 năm, giáo dục phổ cập của chúng ta có rất nhiều cố gắng và đạt được nhiều thành tựu.
Tuy nhiên, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp mới mang tính chất quyết định về nguồn nhân lực. Chúng ta mặc dù có rất nhiều cố gắng nhưng đây chính là khía cạnh chưa được thỏa mãn. Một nền giáo dục đại học phát triển phải có truyền thống rất lâu và thứ hai là thị trường, chỗ dựa, sự hối thúc nó chính là nền công nghiệp, sản xuất máy móc và hàng hóa. Các nước khác trải qua nền công nghiệp 100-200 năm và song hành với việc nghiên cứu, giảng dạy đại học, bắt tay với nhau, cái này kích thích cái kia.
Nước mình từ công nghiệp lạc hậu đi lên, công nghiệp mới trên đà phát triển và công nghiệp của mình hiện nay mới dừng ở việc lắp ráp.
Công tác giáo dục không chỉ dừng lại trong từng cấp học, trong từng giai đoạn cụ thể nào. Minh chứng cho điều này là Dự thảo văn kiện Đại hội XII đã nêu nhiệm vụ tiếp tục “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Ông nghĩ sao về những nhiệm vụ này?
GS. Trần Văn Nhung: Tôi có một đề nghị đã viết thành văn bản muốn đổi mới căn bản nền giáo dục Việt Nam, theo tôi phải quốc tế hóa căn bản và toàn diện nền giáo dục, từ tư duy đến hành động.
Giờ là thời kỳ hội nhập, mọi kiến thức đều có thể cập nhật đều mở trên mạng, ai tận dụng được sẽ phát triển. Tôi lấy ví dụ về Singapore, 20% sinh viên trên đất nước đó là người nước ngoài và sách giáo khoa của Singapore ngày xưa là của nước Anh, sách giáo khoa Đại học thì lấy của Havard, Oxford… Thi cử theo đó, bằng cấp theo đó, dạy bằng tiếng Anh. Như vậy đã thu hút tất cả người giỏi trên thế giới đến học. Như vậy họ sử dụng được toàn bộ kho kiến thức chung của nhân loại.
Để tránh tình trạng chảy máu chất xám, thời gian tới ngoài những chính sách ưu đãi còn cần phải làm gì, theo ông?
GS. Trần Văn Nhung: Vấn đề chảy máu chất xám, vấn đề trọng dụng người tài muôn thuở là vấn đề rất quan trọng. Không chỉ với Việt Nam mà vấn đề này xảy ra với tất cả các nước chưa phát triển. Giải Nobel hàng năm có 2/3 là người Mỹ nhưng hầu hết có phải người Mỹ đâu mà là người ở những nước khác được mời nhập quốc tịch Mỹ. Đó là do họ có một môi trường có nhiều cơ chế, không khí làm việc rất hấp dẫn.
Trở lại Việt Nam, Bộ Chính trị có một chỉ thị về người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một chỉ thị rất quan trọng khi xem 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là cộng đồng không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần một kịch bản cụ thể về vấn đề này.
Tôi rất mừng khi thấy Viện Toán cao cấp của GS. Ngô Bảo Châu và chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học Việt Nam trong 10 năm 2010-2020 là một ví dụ để thấy đó là một thể nghiệm của cơ chế mới.
Cho đến nay, chương trình phát triển rất tốt. Hàng loạt người Việt Nam ở nước ngoài có tài năng như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn cùng nhiều giáo sư khác… hằng năm đều về Viện vừa giảng bài, vừa nghiên cứu, vừa tham gia hội nghị, hội thảo...
Bài toán chảy máu chất xám, bài toán thu hút bà con Việt kiều, trước hết là các nhà khoa học Việt kiều về phối hợp phục vụ đất nước là bài toán rất lớn và rất khó làm. Chúng ta phải có tầm nhìn và trái tim để vun trồng một thế hệ.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn chinhphu.vn