“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Từ khi thành lập Đảng đến nay, trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn đặt công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa Đảng với Nhân dân, tạo thành sức mạnh to lớn đánh thắng mọi kẻ thủ xâm lược, giải phóng dân tộc, từng bước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, kiên định và bảo vệ Tổ quốc.

85 năm qua, trong từng giai đoạn lịch sử, Đảng và Bác Hồ luôn luôn coi trọng công tác dân vận, đề ra nhiều chủ trương, chính sách lớn về công tác dân vận, không ngừng bồi đắp mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Đây chính là cội nguồn sức mạnh và truyền thống vô cùng quý báu của cách mạng Việt Nam.

Ngày 15 tháng 10 năm 1949, trong bài báo “Dân vận”, đăng trên Báo Sự thật, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh
Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954 (Ảnh tư liệu)

Tư tưởng và lý luận về Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài sản vô cùng quý báu, không những cho ngày nay mà còn cho các thế hệ mai sau. Và đây là tư tưởng, là phương châm chỉ đạo xuyên suốt đối với công tác dân vận trong sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng ta luôn xác định: Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân… Do vậy, trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, công tác dân vận có phương thức, nội dung khác nhau nhưng đều nhằm mục tiêu vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Ngay từ buổi đầu của cách mạng, Đảng ta đã khẳng định: Công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng. Những cán bộ, đảng viên lớp đầu tiên đã không quản gian lao, thực hiện tiến hành “ba cùng” với dân, tuyên truyền, giác ngộ nhân dân và thành lập các tổ chức quần chúng đoàn kết xung quanh Đảng, tạo sức mạng và động lực cho cách mạng. Tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đứng lên giành chính quyền, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thắng lợi của cách mạng tháng Tám đã chứng minh đường lối cách mạng của Đảng là đúng đắn; đó cũng là thắng lợi của nghệ thuật vận động quần chúng; Đảng biết dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó với dân, tuyên truyền giác ngộ nhân dân, tổ chức tập hợp và hướng dẫn quần chúng nhân dân đấu tranh giành chính quyền.

Tiếp nối những năm tháng tiếp theo, suốt 30 năm liên tục (1945 - 1975) của hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, bằng niềm tin và sức mạnh toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức những phong trào cách mạng rộng lớn, động viên sức người, sức của, huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, nhân dân ta viết nên những trang sử hào hùng.

Trong những năm tháng đó, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong"... đã rầm rộ phát triển, tạo nên bầu nhiệt huyết cách mạng sôi động trong nhân dân cả nước, tất cả vì sự nghiệp độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Công tác dân vận đã góp phần củng cố niềm tin tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ.

Khi cả nước bước vào thời kỳ mới; công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đứng trước những thuận lợi và khó khăn mới, Đảng ta động viên nhân dân cả nước nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Ảnh minh họa: PC

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, công tác dân vận đã hướng vào vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị…, tiêu biểu là các phong trào thi đua "Xóa đói, giảm nghèo", "Đền ơn, đáp nghĩa", "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", v.v.. đã đóng góp quan trọng vào các thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của đất nước trên tất cả các lĩnh vực.

Trong những năm gần đây, phong trào thi đua "Dân vận khéo" do Ban Dân vận Trung ương phát động là một điểm sáng trong tiến hành công tác dân vận. Thông qua phong trào đã có hàng ngàn tập thể, cá nhân tiêu biểu, là những tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tính từ năm 2009 đến nay, trên cả nước đã có hơn 400.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã và đang có sức lan rộng lớn, tạo thành phong trào thi đua trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới…

Đất nước ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thuận lợi to lớn chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trên lĩnh vực dân vận, khó khăn thách thức đặt ra là không hề nhỏ… Trong bối cảnh đó, lời dạy của Bác Hồ đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống của chúng ta. Và hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành, mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục học và làm theo Bác, ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp tới.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam