Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã tập trung tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi, trồng trọt các biện pháp, quy trình kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho sản phẩm và thực hiện kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên toàn tỉnh. Trong 9 tháng năm 2015, chi cục đã tiến hành 2 cuộc thanh tra đối với các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản và các cơ sở thu mua hải sản, các cảng cá và 1 cuộc thanh tra đột xuất về việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với một số cơ sở kinh doanh động vật trên cạn (thịt trâu, thịt bò...). Trong số 31 cơ sở kiểm tra, đã tiến hành lấy 14 mẫu ngẫu nhiên để phân tích, trong đó, phát hiện 1/9 mẫu nước mắm có hàm lượng nitơ thấp hơn mức được công bố trên sản phẩm, 2/3 mẫu thịt nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 6 trường hợp, xử phạt 21,5 triệu đồng, với các vi phạm chủ yếu là: Sản xuất hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn được công bố, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú ý, kinh doanh sản phẩm động vật tươi sống bị nhiễm khuẩn…
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, cho biết: Qua công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm nên VSATTP trên lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tại tỉnh ta đã có những bước chuyển biến tích cực so với trước đây. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn còn diễn biến phức tạp như: Việc sử dụng urê trong bảo quản thủy sản vẫn ở mức cao; các cơ sở sản xuất, chế biến không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP theo quy định, thịt động vật tươi sống không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng… Để quản lý hiệu quả chất lượng mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh không phải dễ dàng. Số lượng cơ sở sản xuất, thu mua, sơ chế, kinh doanh nông, lâm, thủy sản tương đối nhiều nhưng quy mô nhỏ, phân tán. Hiểu biết của nhiều chủ cơ sở về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới sản xuất kinh, doanh nông, lâm, thủy sản còn hạn chế…
Trong những tháng cuối năm, sức mua của người tiêu dùng sẽ tăng cao, đây cũng là lúc các mặt hàng nông, lâm, thủy sản được tiêu thụ mạnh, vì vậy không tránh khỏi các chủng loại hàng kém chất lượng, không đảm bảo VSATTP sẽ được tuồn ra thị trường. Mặt khác, do lợi nhuận, một số hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh không ngần ngại đưa các chất cấm vào trong các sản phẩm, đây là điều đáng lo ngại đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, việc tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chỉ giải quyết được phần ngọn. Để quản lý được từ gốc, có được sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn tới tay người tiêu dùng thì cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, cần từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và hình thành trong cộng đồng ý thức xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, bền vững.
Thế Quang