Đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế
Trong giai đoạn 2005-2014, bằng nhiều nguồn vốn, UBND tỉnh bố trí gần 518,5 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng đồng bào Chăm, trong đó có 18 công trình hồ đập, hệ thống kênh mương thủy lợi cấp II, III; đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông liên xã, liên thôn, với chiều dài gần 80km/21 công trình, với tổng vốn đầu tư 71,2 tỷ đồng.
Nhờ đầu tư xây dựng các hồ chứa nước và hệ thống tưới tiêu đồng bộ nên tổng diện tích gieo trồng đến năm 2014 đạt 79.638ha, trong đó vùng đồng bào Chăm chiếm khoảng 1/3 diện tích gieo trồng, chủ yếu là lúa, nho, táo… Đặc biệt, đồng bào Chăm có kinh nghiệm và truyền thống canh tác lúa nước nên năng suất và sản lượng mỗi năm đều tăng cao, bình quân đạt trên 62 tạ/ha, cá biệt có nơi đạt trên 10 tấn/ha; cơ giới hóa 95% khâu làm đất và hơn 90% khâu thu hoạch lúa. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi được xác định là ngành sản xuất chính của đồng bào Chăm. Tổng đàn trâu, bò, dê, cừu của đồng bào Chăm đến cuối năm 2014 trên 310.128 con và 1.545.300 gia cầm…
Thôn Văn hóa Hoài Trung, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước. Ảnh: Văn Thanh
Ông Quảng Tài, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, cho biết: Với sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, đến nay, hạ tầng đường, điện, trường, trạm ở những vùng đồng bào Chăm sinh sống được đầu tư đầy đủ. Nhiều hộ tích lũy và vay vốn đầu tư phát triển một số mô hình trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Gắn với an sinh xã hội
Song song với đầu tư phát triển kinh tế, các chính sách an sinh xã hội ở vùng đồng bào Chăm cũng được triển khai kịp thời. Trong 10 năm qua, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, đã hỗ trợ xây dựng 1.620 căn nhà cho hộ đồng bào Chăm còn khó khăn; đầu tư 82,8 tỷ đồng cho các công trình nước sinh hoạt môi trường nông thôn và 11 công trình nước sinh hoạt tập trung cho các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào Chăm. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT, được hỗ trợ tiền điện. Chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hàng trăm tỷ đồng cho hộ đồng bào Chăm nghèo, cận nghèo, có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nhà ở…
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào Chăm chỉ còn 5,01%, 96% học sinh trong độ tuổi đến trường, 99% hộ dân sử dụng điện, 90% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 71% thôn, khu phố được công nhận văn hóa. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào Chăm được đảm bảo tốt, trong 13 trạm y tế xã vùng đồng bào Chăm, 6 trạm có bác sỹ, 13 trạm y tế có nữ hộ sinh và cán bộ dược.
Đồng chí Lê Thanh Hùng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Trong những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đặc thù của Đảng, Nhà nước, nhất là Chỉ thị 06/2004/CT-TTg đối với vùng đồng bào Chăm; tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ kiến thức sản xuất, chăn nuôi, xây mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo. Các chính sách được triển khai kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào Chăm ngày càng nâng cao.
Xuân Bính