Có thể nói, công tác đảm bảo VSATTP được các ngành, các cấp quan tâm. Cụ thể các tuyến cơ sở đều thành lập Ban chỉ đạo Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (QLCLVSATTP), 6/7 huyện xây dựng quy chế hoạt động cho Ban chỉ đạo QLCLVSATTP. Nhân Tháng hành động vì ATTP, các địa phương đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kết hợp công tác kiểm tra tại nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Xuất hiện nhiều sản phẩm bánh, kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bán tại Chợ Phan Rang.
Ảnh: Uyên Thu
Tuy nhiên, tính hiệu quả của các hoạt động vẫn còn nhiều hạn chế. Từ đầu năm đến nay, các ngành, địa phương đã tổ chức 150 đoàn kiểm tra ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Qua kiểm tra 4.488 cơ sở, đã phát hiện 833 cơ sở (18,6%) vi phạm các điều kiện ATTP. Tuy nhiên, chỉ có 4 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 14 triệu đồng, còn lại chủ yếu là nhắc nhở. Một trong nhưng địa bàn tập trung dân cư, có nhiều cơ sở, hoạt động liên quan đến ATTP như địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm nhưng hiện nay chưa xây dựng được quy chế làm việc và phân công, phân nhiệm của Ban chỉ đạo QLCLVSATTP. Tương tự, tại hầu hết các xã, phường trên địa bàn tỉnh cũng chỉ mới dừng lại ở việc thành lập Ban chỉ đạo nhưng không đề ra quy chế thực hiện… Do đó chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, thành viên BCĐ trong công tác quản lý VSATTP tại địa phương.
Chính vì vậy, việc lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Nông nghiệp và Công Thương của huyện Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái đến nay vẫn chưa được thống kê một cách đầy đủ, đặc biệt là cơ sở kinh doanh rượu và sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn… Hoạt động cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP chưa được chú trọng, có địa phương chưa triển khai, do đó toàn tỉnh hiện chỉ mới có gần 160 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP.
Theo đồng chí Bùi Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Y tế, kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo QLCLVSATTP tỉnh: Công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh nhưng nhận thức của người dân ở một số xã vùng biển, vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế, nên vẫn còn xảy ra ngộ độc thực phẩm. Tình trạng các cơ sở nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất lạc hậu, người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm không có giấy chứng nhận sức khỏe; phần lớn hoạt động không đăng ký giấy phép kinh doanh còn khá phổ biến. Nhưng công tác xử lý đối với các cơ sở vi phạm chưa nghiêm, mà chủ yếu nhắc nhở.
Do đó, trong thời gian tới các địa phương, nhất là cấp xã cần xây dựng quy chế làm việc của Ban chỉ đạo QLCLVSATTP để phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên, thường xuyên tập huấn, triển khai các văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo ATTP; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tăng cường hoạt động tuyên truyền tại địa phương đặc biệt là các biện pháp phòng ngừa ngộ độc rượu, nấm, cá nóc, ốc lạ … cho người dân vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở thực phẩm không chấp hành các quy định về ATTP, nhất là các cơ sở nấu ăn lưu động, giám sát về nguồn nguyên liệu, lưu mẫu thực phẩm và đăng ký kinh doanh theo quy định. Kiên quyết xử lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, không chấp hành các quy định về điều kiện đảm bảo VSATTP… Có như vậy thì công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh ta mới thực sự có sự chuyển biến tích cực, số vụ ngộ độc mới được kéo giảm, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Anh Tuấn