1. Sau 6 ngày thương thuyết ma-ra-tông, chiều 5-10, các bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Atlanta (Mỹ) đã đạt được những thỏa thuận cuối cùng. Đây là kết quả nỗ lực của tất cả các nước tham gia đàm phán và chờ đợi trong suốt 5 năm qua nhằm cho ra đời một thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới này.
Khởi nguồn từ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, còn gọi là P4, giữa 4 nước Singapore, Brunei, Chile và New Zeland ký năm 2005, đến nay TPP đã mở rộng thành viên tới 12 nước ở khắp các khu vực từ Đông-Nam Á, Đông-Bắc Á đến Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Nam Thái Bình Dương. Việt Nam chính thức tham gia TPP từ tháng 11-2010 sau khi dự 3 phiên đàm phán với tư cách thành viên liên kết. Giới chuyên gia ước tính, sau khi được ký kết, TPP sẽ hình thành một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu, gần 40% GDP thế giới.
Chân dung các nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học.
Cũng như các thỏa thuận thương mại tự do thương mại (FTA) có mục tiêu chính là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các thành viên, nhưng TPP được đánh giá là một FTA thế hệ mới, với các tiêu chuẩn cao, lĩnh vực đàm phán rộng và lộ trình thực thi ngắn.
Điều này thể hiện ở tham vọng tự do hóa không chỉ về thương mại hàng hóa, mà còn mở rộng sang dịch vụ, đầu tư, tài chính; mức độ mở cửa sâu rộng; áp dụng nguyên tắc không ngoại lệ, không ưu tiên, tuy nhiên có cân nhắc lộ trình phù hợp trình độ phát triển của các nền kinh tế.
2. Hội đồng trao giải Nobel đã trao giải Nobel Vật lý 2015 cho 2 nhà khoa học Takaaki Kajita (Nhật Bản) và Arthur B. McDonald (Canada) với công trình nghiên cứu chứng minh các hạt cơ bản có khối lượng. “Phát hiện này làm thay đổi hiểu biết của nhân loại về thế giới lượng tử và đóng vai trò quan trọng đối với kiến thức của loài người về vũ trụ”-Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết.
Giải Nobel Y học năm 2015 đã thuộc về 3 nhà khoa học. Hai nhà khoa học William C. Campbell (Ireland) và Satoshi Omura (Nhật Bản) được vinh danh nhờ những phát hiện liên quan tới phương pháp điều trị mới chống lại sự nhiễm trùng do ký sinh trùng giun tròn gây ra. Trong khi đó, nhà khoa học 84 tuổi người Trung Quốc Youyou Tu được ghi nhận nhờ những phát hiện của bà liên quan tới liệu pháp dùng thảo dược truyền thống để chữa bệnh sốt rét.
Giải Nobel Hóa học 2015 cũng được trao cho 3 nhà khoa học: Tomas Lindahl (Thụy Điển), Paul Modrich (Mỹ) và Aziz Sancar (mang hai quốc tịch Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ) nhờ công trình nghiên cứu cơ chế sửa chữa những ADN bị hư hại và bảo vệ thông tin di truyền. Nghiên cứu này làm rõ hơn về chức năng của tế bào sống, mở ra các phương pháp mới điều trị căn bệnh ung thư.
Nhà văn Belarus Svetlana Alexievich trở thành chủ nhân Giải Nobel Văn học năm 2015. Nhà văn người Belarus được tôn vinh “Vì những tác phẩm đa giọng điệu, một biểu tượng mẫu mực về sức chịu đựng và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta”.
P.V