Tại buổi làm việc, Tiến sĩ Gurry bày tỏ vui mừng trước sự hợp tác ngày càng phát triển giữa WIPO và Việt Nam. Ông cũng hy vọng sẽ sang thăm chính thức Việt Nam trong thời gian sớm nhất để củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Về phía mình, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cảm ơn WIPO đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam nói chung và sự phát triển của Cục Sở hữu trí tuệ nói riêng. Việt Nam cũng đề nghị WIPO hỗ trợ trong quá trình chuẩn bị, gia nhập và triển khai các điều ước quốc tế thông qua việc mời tham dự các phiên họp, hội nghị liên quan, cử chuyên gia sang tư vấn, đào tạo nguồn và nâng cao nhận thức công chúng về điều ước quốc tế.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết: Cho đến nay, WIPO đã mời khoảng 650 lượt cán bộ của Việt Nam tham dự các khóa đào tạo, hội nghị và hội thảo quốc tế về sở hữu trí tuệ; phối hợp tổ chức hàng trăm khóa đào tạo trong nước cho hàng nghìn cán bộ Việt Nam về mọi khía cạnh liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Những năm gần đây, WIPO còn cấp học bổng cho các cán bộ Việt Nam tham gia các khóa đào tạo thường niên về sở hữu trí tuệ do WIPO tổ chức; tiếp nhận cán bộ Việt Nam tham gia thực tập dài hạn tại WIPO và hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công cuộc thi sáng chế, trao giải thưởng WIPO cho những ứng dụng công nghệ, công trình sáng tạo và các tác giả xuất sắc.
Việt Nam hiện là thành viên tham gia 10 điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý. Việt Nam thể hiện vai trò thành viên tích cực bằng việc cử đại diện tham dự các phiên họp thường trực của các hội đồng thành viên, cũng như tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các điều ước. Việt Nam cũng đang xem xét khả năng gia nhập các điều ước quốc tế khác như Thỏa ước La Hay về đăng ký kiểu dáng công nghiệp, Hiệp ước Lisbon về bảo hộ tên gọi xuất xứ, hay các văn kiện quốc tế về nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian.
Theo TTXVN