Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 3-10

* Sự kiện

- Ngày 3-10-1948: Tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ, tiếp đó, cùng toàn thể Chính phủ đón tiếp đoàn đại biểu từ Nam Bộ do ông Phạm Hùng dẫn đầu ra Bắc. Đoàn đã chuyển tặng Người nhiều món quà của đồng bào Nam Bộ, trong số này, một tác phẩm đã làm cho Hồ Chủ tịch hết sức cảm động là bức họa hình Hồ Chủ tịch và ba em thiếu nhi tượng trưng Trung- Nam -Bắc, 3 em vây chung quanh Cụ, một em nắm râu Cụ với bao vẻ mến yêu. Bức họa của họa sĩ Diệp Minh Châu, vẽ bằng máu của mình.

- Ngày 3-10-1960: Báo Nhân dân, số 2389, đăng bài “Một thắng lợi vẻ vang” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khen ngợi phong trào xóa nạn mù chữ của tỉnh Cao Bằng “là một thắng lợi vẻ vang, nó góp phần vào thắng lợi chung về Cách mạng văn hóa của nhân dân ta”. Bài báo kết luận rằng “về mặt văn hóa thì dù ai mù quáng đến mấy cũng phải thấy rằng chế độ xã hội chủ nghĩa của ta đã thắng lợi vẻ vang”.

- Ngày 3-10-1995: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa IX thông qua Bộ luật Dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt và sửa đổi biểu thuế nhập khẩu. Quốc hội còn quyết định: Hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Thủy lợi thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hợp nhất Bộ Năng lượng, Bộ Công nghiệp nặng, Công nghiệp Nhẹ thành Bộ Công nghiệp; hợp nhất Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Ngày 3-10-1999: Khởi công xây dựng Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, với quy mô 860 ha, tại Đồng Mô - Ngải Sơn, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ngày 19-9-2010, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam chính thức khai trương và đi vào hoạt động.

- Ngày 3-10-2009: tại Thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra Lễ khởi công Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây). Dự án xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành - Dầu Giây là dự án đặc biệt quan trọng thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Dự án có chiều dài 55 km gồm 4 làn xe (giai đoạn 1), tốc độ thiết kế 120 km/h, tổng mức đầu tư 932,4 triệu USD.

- Ngày 3-10-2010: Chính thức thông xe đại lộ Thăng Long. Được khởi công xây dựng ngày 20-3-2005, sau 5 năm xây dựng, ngày 3-10-2010, công trình Đại Lộ dài nhất Việt Nam mang tên Thăng Long đã được chính thức được đưa vào sử dụng.Với tổng mức đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng, chiều dài gần 30km, rộng 140m, Đại lộ Thăng Long là tuyến đường dài và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

- Ngày 3-10-2014: Công bố quyết định đổi tên Vùng Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển. Tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tổ chức lễ công bố Quyết định và đón Quân kỳ Quyết thắng cho các Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4. Tại buổi lễ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã công bố Quyết định của Bộ Quốc phòng về việc đổi tên Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4 thành Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, bước phát triển mới, thể hiện niềm tin của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và nhân dân cả nước đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đồng thời cũng là trách nhiệm và mở ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để Cảnh sát biển tiếp tục phát triển theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

* Nhân vật

- Ngày 3-10-1967: Ngày mất nghệ sĩ Tạ Duy Hiển - người khai mở cho ngành xiếc Việt Nam hiện đại. Tạ Duy Hiển sinh ngày 10-10-1889 tại Hà Nội. Ông là người đầu tiên ở miền Bắc đứng ra lập một gánh xiếc rong của gia đình. Ngày 5-12-1922, tại Rạp hát chợ Hàng Da (Hà Nội), lần đầu tiên tại nước ta, gánh xiếc do Tạ Duy Hiển sáng lập, đã cho ra mắt công chúng với đầy đủ tiết mục xiếc người và thú. Sau thành công của gánh xiếc Duy Hiển, hàng loạt các gánh xiếc khác khắp ba miền Bắc, Trung, Nam lần lượt ra đời. Năm 1958, Tạ Duy Hiển được cử làm Trưởng đoàn xiếc nhân dân trung ương (nay là Liên đoàn xiếc Việt Nam). Ông đã trực tiếp đào tạo nhiều nghệ sĩ trẻ nối nghiệp.Ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vào năm 1984.

- Ngày 3-10-1976: Ngày mất nhà khoa học nông nghiệp Nguyễn Công Tiễu. Nguyễn Công Tiễu sinh ngày 14-8-1892, quê ở Phù Cừ, Hưng Yên.Với kiến thức khoa học và sự am hiểu thực tiễn sản xuất của nông dân, đầu tiên ông chọn lựa nghiên cứu loài bèo hoa dâu - là loại thực vật mọc nhiều ở quê hương ông. Ông đã từng viết bài về bèo hoa dâu gửi Hội nghị khoa học Thái Bình Dương mở rộng, bài viết của ông được đăng trong kỷ yếu của Hội nghị. Ông cũng là hội viên người Việt duy nhất trong Hội đồng nghiên cứu khoa học ở Đông Dương. Công trình nghiên cứu: Những điều bí mật về bèo hoa dâu, khảo cứu về bèo hoa dâu và xem cây mọc dại biết loại đất hoang…

Theo TTXVN