Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát quy hoạch sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương và ưu tiên nguồn lực, tập trung chỉ đạo để tạo chuyển biến rõ rệt về hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Phát hiện, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân sản xuất quy mô lớn theo chuỗi. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý giống, vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm các vi phạm để giảm bớt rủi ro cho nông dân, giảm chi phí sản xuất. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo đột phá trong thực hiện tái cơ cấu; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học công nghệ mới tiên tiến...
Nông dân xã Công Hải đưa cơ giới hóa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế,
góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thanh Long
Đối với tỉnh ta, những năm qua thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đã được chú trọng đúng mức. Với sự quan tâm đầu tư về nhiều mặt trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh, ngành nông nghiệp đã có bước phát triển mạnh, diện mạo các xã xây dựng NTM trong tỉnh đã thay đổi rõ rệt. Điều rất đáng ghi nhận là trong quá trình thực hiện, các địa phương đã chú trọng đặt nông dân vào vị trí trung tâm và có vai trò chủ đạo trong quá trình này. Nhiều nguồn vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao cho nông dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất. Tỉnh còn triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chương trình giống, nhân rộng mô hình sản xuất mới gắn với phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi đã đầu tư, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Giá trị sản xuất đến nay đạt 85 triệu đồng/ha, tăng 28 triệu đồng/ha so với năm 2010. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa phục vụ công nghiệp chế biến. Bước đầu đã triển khai, áp dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, theo hướng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap... Ngoài ra, các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, sắp xếp dân cư góp phần phát triển khu vực nông thôn, cải thiện môi trường, nâng tỷ lệ hộ được cấp nước sinh hoạt từ 75% lên 87%, số hộ gia đình có công trình hợp vệ sinh từ 57% tăng lên 70%... Có thể nói, xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành đang trở thành phong trào lan rộng, có hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 6 xã đạt 19/19 tiêu chí, dự kiến ít nhất sẽ có thêm 4 xã đạt 19 tiêu chí vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM còn gặp một số khó khăn như chất lượng tăng trưởng chưa cao; năng suất và sức cạnh tranh của một số hàng hoá nông sản còn thấp; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp tuy có sự chuyển dịch đáng kể nhưng vẫn còn chậm, chưa vững chắc, tỷ trọng dịch vụ vẫn còn thấp; sản xuất chưa gắn kết với các cơ sở chế biến công nghiệp; việc chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu của nền nông nghiệp hàng hoá...
Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM thành công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thiết nghĩ cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các ngành, các cấp, từng cán bộ, đảng viên và nông dân đồng thuận cao trong quá trình tổ chức triển khai xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ đó thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có hiệu quả cao và bền vững. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập nông dân, thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị, đem lại cuộc sống tốt hơn cho nông dân. Đây cũng là một trong những tiêu chí đặt ra trong quá trình xây dựng NTM.
Hạ Huyền