Ninh Phước: Tạo bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới

(NTO) Đến Ninh Phước vào những ngày này, có thể nhận thấy sự khẩn trương của các ngành, các cấp đưa Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 vào cuộc sống. Không khí hồ hởi, phấn khởi thể hiện rõ khắp các địa phương trong huyện, nhưng rõ nét nhất là tại các xã Phước Thái, Phước Thuận và Phước Sơn. Đồng chí Phạm Văn Hậu, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Ninh Phước, cho biết: Đó là 3 xã đã đạt 19/19 tiêu chí NTM và chuẩn bị công bố trong tháng 9 này, mở đầu cho giai đoạn Ninh Phước phấn đấu trở thành huyện NTM vào năm 2020.

Với quyết tâm của toàn Đảng bộ huyện, ngay sau Đại hội, Ninh Phước đã tạo ra bước đột phá ngoạn mục trong phong trào xây dựng NTM, thu hút sự hưởng ứng tích cực của đông đảo Nhân dân. Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Hùng, Phó trưởng thôn Thái Hòa (xã Phước Thái), hào hứng nói: “Ở thôn chúng tôi, hàng chục hộ dân đã tự nguyện hiến đất để làm đường bê-tông nội thôn và xây dựng kiên cố kênh mương nội đồng”. Nhờ sự đồng thuận của Nhân dân và cán bộ, diện mạo nông thôn Ninh Phước đã từng bước đổi mới theo hướng hiện đại, văn minh. Ngoài 3 xã đạt chuẩn nói trên, đến thời điểm này, xã Phước Vinh (đạt 17/19 tiêu chí) và 2 xã Phước Hữu, Phước Hậu (đạt 15/19 tiêu chí) đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí để đạt chuẩn trong thời gian tới.

 
Hệ thống  kênh thủy lợi cấp 3 ở Ninh Phước đã được nâng cấp và xây dựng kiên cố.

Nhờ tăng tốc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, đến nay, Ninh Phước đã có 100% đường giao thông trục xã, trên 65% đường trục thôn, 56% đường nội đồng, 41% kênh thủy lợi cấp ba đã được nâng cấp và xây dựng kiên cố. Hệ thống chợ nông thôn, trường học, trạm y tế, các công trình văn hóa, thể dục thể thao được quan tâm đầu tư, góp phần nâng cao mức hưởng thụ của người dân nông thôn; 99% hộ gia đình đã sử dụng điện lưới quốc gia, 90% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và 100% xã có đội thu gom xử lý rác thải. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được các cấp, các ngành chú trọng.

Đi từ An Hải, Phước Hải đến Phước Hậu, Phước Hữu, Phước Vinh, ở xã nào chúng tôi cũng thấy sự khởi sắc rõ rệt qua các bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng khai thác lợi thế từng vùng. Với các tiến bộ khoa học, công nghệ được triển khai ứng dụng, có 25 mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả được nhân rộng, điển hình là mô hình “1 phải, 5 giảm” trong thâm canh lúa, từ diện tích 10ha ban đầu vào năm 2010, nay tăng lên trên 3.900ha, giá trị thu nhập tăng thêm từ 7-9 triệu đồng/ha so với canh tác lúa truyền thống. Mô hình tưới nước tiết kiệm đã biến vùng đất hoang hóa rộng hơn 400ha của 3 thôn Tuấn Tú, Nam Cương (xã An Hải), Thành Tín (xã Phước Hải) thành vùng sản xuất rau an toàn có thương hiệu, làm thay đổi hoàn toàn đời sống người dân khu vực này. Anh Kiều Thanh Thoàng, Trưởng thôn Tuấn Tú, khẳng định: Trong các mô hình sản xuất mới, đáng chú ý là mô hình tưới nước tiết kiệm đã tác động đến sự phát triển mạnh của vùng trồng rau an toàn, cải thiện rõ nét đời sống người dân trong thôn. Hiện toàn thôn có 92,9% hộ có kinh tế ổn định, trong đó chiếm 32,9% là hộ giàu khá.

 
Diện mạo nông thôn Ninh Phước đã từng bước đổi mới theo hướng hiện đại, văn minh.
Trong ảnh: Một góc làng Chăm Hữu Đức.

Theo đồng chí Phạm Văn Hậu, nhờ tập trung công tác tuyên truyền, vận động và phát huy vai trò nòng cốt tiên phong của cán bộ, đảng viên đã làm thay đổi nhận thức về vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Đó không chỉ là nhân tố quan trọng quyết định thành công, mà còn là bài học kinh nghiệm quý báu để Ninh Phước tiếp tục vận dụng trong giai đoạn tới. Thực tế tìm hiểu ở các địa phương trong huyện, chúng tôi ghi nhận những kinh nghiệm tương tự, đơn cử xã Phước Thuận với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã tuyên truyền huy động người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức, tiền của xây dựng NTM. Tại xã Phước Thái, theo chia sẻ của đồng chí Lưu Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã, qua tuyên truyền, người dân đã nhận thức về vai trò chủ thể của mình, tự bàn bạc và quyết định cách thức đóng góp nguồn vốn xây dựng NTM, không trông chờ, ỷ lại sự đầu tư của Nhà nước.

Từ kinh nghiệm đúc kết, Huyện ủy Ninh Phước đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, trong đó chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển nông thôn. Với việc đưa NQ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI và một số NQ chuyên đề về nông nghiệp và kinh tế nông thôn vào cuộc sống, Ninh Phước đang tạo ra động lực mạnh mẽ cho mục tiêu phấn đấu xây dựng trở thành huyện NTM vào năm 2020.