DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Những tác động của Dự án Hỗ trợ Tam nông ở Bác Ái

(NTO) Huyện Bác Ái có 9/9 xã nằm trong vùng hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông. Qua 4 năm triển khai, nhiều tác động tích cực từ dự án đã bước đầu tạo ra hướng sinh kế cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo ông Lê Nhượng, Phó Ban phụ trách DASU huyện cho biết: Hiện nay, dự án đã và đang mang lại nhiều hiệu quả rất đáng kể trong việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập. Hai trong ba hợp phần sử dụng các nguồn quỹ CDF, Quỹ phát triển kinh tế phụ nữ…đã hỗ trợ các địa phương nhiều mặt về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nguồn vốn để người dân phát triển sản xuất và đáp ứng các yêu cầu phục vụ dân sinh. Điểm đáng mừng là sự đồng thuận và hưởng ứng đối với dự án từ người dân rất cao. Qua 4 năm triển khai, toàn huyện đã đầu tư 56 công trình hạ tầng công cộng và hạ tầng sản xuất, trong đó có 22 đường giao thông nông thôn đi vào các khu sản xuất, 11 công trình thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu phục vụ cho các chuỗi lúa, bắp, bò; 23 sân phơi và kho chứa nông sản phục vụ các chuỗi lúa, bắp, đậu…

Thành viên nhóm quỹ phát triển kinh tế phụ nữ thôn suối khô,
xã Phước chính đầu tư bò giống sau khi được hỗ trợ vay vốn

 

Ở hợp phần phát triển các chuỗi giá trị vì người nghèo, hầu hết 9/9 xã đã xác định được chuỗi giá trị thế mạnh và tiềm năng để phát triển. Sau khi lựa chọn chuỗi giá trị thế mạnh, các địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thu hút các hộ dân tham gia và thành lập các tổ, nhóm chung sở thích để phát triển các chuỗi giá trị theo hướng hàng hóa. Tính đến nay, toàn huyện đã thành lập 56 tổ hợp tác, nhóm chung sở thích đang hoạt động về các ngành hàng chăn nuôi và lương thực, với tổng số 749 thành viên; trong đó số hộ nghèo chiếm 66%; phụ nữ chiếm trên 34%; hộ dân tộc thiểu số chiếm 89%. Hầu hết các tổ, nhóm sở thích sau khi thành lập đều nhận được sự hỗ trợ trực tiếp bằng các nguồn vốn, con giống, tập huấn kỹ thuật để phát triển. Tính đến hết quý II năm 2015, Ban DASU huyện đã triển khai hỗ trợ 10 con bò sinh sản theo mô hình Heifer, 18 con bò đực giống, 40 tấn cỏ giống VA-06…Thông qua quỹ CDF, Ban Phát triển các xã đã hỗ trợ 134 con bò, xây dựng 382 chuồng bò, 4 máy tuốt bắp, 2.450 kg bắp giống, 4.100 gà giống… cho trên 1.000 hộ được hưởng lợi. Nhằm cải tạo giống bò, trong năm 2014, dự án cũng đã đầu tư 2 điểm dịch vụ thú y và thụ tinh nhân tạo tại xã Phước Chính, Phước Thắng để cải tạo giống bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Theo kết quả khảo sát thường niên trong 2015, đánh giá về sự cải thiện thu nhập của DASU huyện thì có 45,5% thành viên tham gia tổ, nhóm sở thích được tài trợ bởi quỹ CDF có thu nhập tăng so với trước khi tham gia nhóm.

 Một trong những kết quả đáng ghi nhận kể từ khi Dự án HTTN được triển khai tại Bác Ái, đó là công tác đào tạo nâng cao năng lực cho người dân trong phát triển sản xuất và chăn nuôi. Ngoài các hình thức đào tạo truyền thống, các hình thức đào tạo mới như doanh nghiệp hoặc nông dân giỏi tham gia đào tạo cho nông dân; đào tạo tập huấn kết hợp tại hiện trường sản xuất…đã thật sự nâng cao tay nghề cho người dân và phát huy được hiệu quả trong sản xuất. Huyện đã tổ chức 116 khóa tập huấn giúp nâng cao kiến thức cho 3.911 người dân trong kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất, kinh doanh…;7 khóa đào tạo nghề cho 170 người dân, đến nay hầu hết đã có việc làm, cải thiện thu nhập. Theo kết quả khảo sát thực tế trong năm 2014 về đánh giá hiệu quả các hoạt động nâng cao năng lực, có hơn 25% số học viên cho biết có thu nhập từ 2 đến dưới 4 triệu đồng/tháng sau khi được đào tạo; hơn 53% học viên có tổng thu nhập tăng so với trước và tỷ lệ học viên hài lòng với công việc hiện tại trên 85%.

Trong quá trình triển khai các chuỗi giá trị vì người nghèo, để đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia dự án cũng như tạo hướng kết nối thị trường dài lâu, Ban Phát triển các xã cũng đã liên hệ với các doanh nghiệp nhằm kết nối đảm bảo thị trường đầu ra cho các sản phẩm. Qua kết nối bước đầu, hiện nay trên địa bàn huyện đã hình thành được một mô hình liên kết sản xuất của Doanh nghiệp miền núi Mạnh Xuân với hơn 62 hộ sản xuất bắp lai tại xã Phước Bình. Theo ông Lê Nhượng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2015 của địa phương, ngoài việc tập trung giải ngân Quỹ tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh (CSG), DASU huyện sẽ tiếp tục tìm kiếm xây dựng các mô hình liên kết giữa nhóm sở thích với doanh nghiệp để đảm bảo sản phẩm đầu ra cho nông dân, chủ yếu cho chuỗi bắp lai, gà hoặc heo đen.