DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Ninh Hải qua 4 năm thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông

(NTO) Huyện Ninh Hải có 3 xã nằm trong vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), gồm: Tân Hải, Nhơn Hải và Vĩnh Hải. Từ năm 2011 đến nay, Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện Ninh Hải đã tập trung triển khai các hoạt động của Dự án xuống địa bàn hưởng lợi, trực tiếp hỗ trợ người dân tạo sinh kế, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Anh Dương Tấn Trung, chuyên viên DASU huyện cho biết: Việc triển khai các hoạt động của Dự án xuống tận địa bàn từng thôn thuộc vùng HTTN thực sự có tác động. Theo chuỗi giá trị xác định (bò, dê, cừu, heo đen, táo, tỏi, nho) và các chuỗi giá trị tiềm năng của địa phương (gà, vịt, hàu, cá mú, hành, lúa, rong biển, thủ công mỹ nghệ), DASU huyện đã thành lập và củng cố 59 tổ, nhóm sở thích (NST) thuộc 14 nhóm ngành, hàng; trong đó có 11 nhóm bò, 3 nhóm táo, 3 nhóm tỏi, 3 nhóm nho, 11 nhóm hành tím, 6 nhóm dê, 5 nhóm cừu, 4 nhóm lúa, 4 nhóm gà, 2 nhóm vịt, 2 nhóm cá mú, 1 nhóm hàu, 1 nhóm làm đồ mỹ nghệ từ hạt cây rừng, 3 nhóm heo đen và 1 nhóm sản xuất mứt rong biển, với tổng số thành viên 846 người (428 phụ nữ, 587 thành viên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, 71 thành viên là người đồng bào dân tộc thiểu số).

Triển khai thực hiện dự án HTTN, huyện Ninh Hải đã thành lập 11 NST trồng hành tím và hỗ trợ nông dân
về vốn, kỹ thuật để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm.

Để hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị, Dự án đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực; hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, thú y; tập huấn hiện trường, tham quan, hội thảo đầu bờ; tập huấn mở rộng cho nông dân; hỗ trợ máy móc cơ giới hóa khâu làm đất cho các NST. Đồng thời triển khai mới 2 mô hình sản xuất nho và táo an toàn theo hướng VietGAP; mô hình nuôi gà có đệm lót sinh học; nuôi cá mú, hàu thương phẩm; triển khai và nhân rộng mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu, heo đen sinh sản ở các địa phương. Hiện nay, DASU huyện và Ban Phát triển các xã cũng đã kết nối các doanh nghiệp, HTX đóng chân trên địa bàn như HTX Dịch vụ nông nghiệp Gò Đền, Doanh nghiệp Quang Ninh, Trang trại chăn nuôi Lê Duy Tuấn với các NST thực hiện bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, cung ứng các dịch vụ đầu vào trong nông nghiệp. Triển khai xúc tiến thương mại và kết nối thị trường cho NST làm đồ mỹ nghệ từ hạt cây rừng của xã Vĩnh Hải với các doanh nghiệp tại Lâm Đồng và Bình Thuận. Bên cạnh đó, hầu hết các nhóm còn nhận được sự hỗ trợ vốn, giống, khoa học-kỹ thuật từ các nguồn quỹ CSG, CBG, Quỹ tiết kiệm tín dụng phụ nữ nên khi tham gia vào chuỗi giá trị, các mặt hàng nông sản được tiêu thụ với giá cả ổn định hơn. Qua tổng hợp, từ khi triển khai đến nay, Dự án HTTN đã giải ngân cho huyện Ninh Hải hơn 11 tỷ đồng để thực hiện các hợp phần-tiểu hợp phần; từ nâng cao năng lực tổ chức, quản lý, thúc đẩy và hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; hỗ trợ giảm nghèo đến đầu tư hạ tầng công cộng và sản xuất. Riêng lĩnh vực đầu tư công trình hạ tầng, tính đến nay, từ nguồn vốn Quỹ CDF, DASU Ninh Hải đã thi công 7 tuyến đường nội đồng ,với chiều dài gần 2.400m phục vụ các chuỗi giá trị; xây dựng 2 sân phơi và 3 nhà kho, điểm thu mua nông sản; làm 145 chuồng trại chăn nuôi cho 28 NST.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, DASU huyện tiếp tục gắn kết các nguồn lực từ dự án lồng ghép với các chương trình khác để phát triển các chuỗi giá trị và hỗ trợ các NST đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đôn đốc các ngành liên quan hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng, hạ tầng sản xuất; thanh quyết toán công trình và các hoạt động khác đảm bảo đúng tiến độ thực hiện Dự án.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm, DASU huyện sẽ tiếp tục giải ngân nguồn vốn Quỹ CSG cho 6 tiểu dự án thuộc các NST: Nhóm lúa “1 phải, 5 giảm” thôn Gò Thao, nhóm chăn nuôi gà thôn Hòn Thiên (Tân Hải), nhóm chăn nuôi bò sinh sản thôn Khánh Nhơn 2, nhóm tỏi thôn Mỹ Tường 1, Mỹ Tường 2 và nhóm sản xuất hành tím theo hướng an toàn thôn Mỹ Tường 2 (Nhơn Hải) với tổng kinh phí 420 triệu đồng. Đồng thời, chú trọng công tác nâng cao năng lực và hỗ trợ các NST tiếp cận thị trường, tạo đầu ra ổn định của sản phẩm nhằm tăng thu nhập cho nông dân, theo hướng cải thiện một cách bền vững chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình ở nông thôn như mục tiêu dự án đề ra.