Phước Bình liên kết với doanh nghiệp phát triển trồng bắp

(NTO) Phước Bình là xã xa nhất của huyện miền núi Bác Ái, có tổng diện tích tự nhiên 28.000 ha, với dân số gần 4.200 người, trong đó chiếm 95% là người dân tộc Raglai. Từ các nguồn lực đầu tư của các cấp, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, kinh tế-xã hội của Phước Bình đã có bước phát triển. Nhờ địa hình đồi núi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, những năm qua người dân Phước Bình đã đầu tư phát triển trồng 600 ha chuối và trồng 992,1 ha bắp, từng bước cải thiện dần đời sống, vươn lên thoát nghèo.

 
Đoàn công tác của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh và DASU Bác Ái
khảo sát mô hình trồng bắp lai tại thôn Hành Rạc 1 (Phước Bình).

Gần đây, thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông, với sự hướng dẫn của Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) Bác Ái và sự tác động của doanh nghiệp (DN) Mạnh Xuân, Ban Phát triển xã Phước Bình đã triển khai thực hiện mô hình trồng bắp lai cho 55 hộ dân tại thôn Hành Rạc 1 với diện tích 36,3 ha. Đồng chí Pi-năng Thị Cô, Chủ tịch UBND xã cho biết: Kế hoạch ban đầu của dự án là mô hình trồng bắp thực hiện 60 ha, nhưng do một số hộ chưa đăng ký kịp nên còn lại 25,7 ha không thực hiện được. Hiện nay, bắp lai trồng của các hộ phát triển tốt, dự kiến thu hoạch trong tháng 10 với năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha. Theo chị Chamaléa Thị Banh, Khuyến nông viên xã, cùng là bắp trồng trong vụ nhưng qua so sánh với rẫy bắp đối chứng canh tác theo kiểu truyền thống có thể thấy rõ sự chênh lệch lớn. Trong khi bắp mô hình tươi tốt, đậu trái to thì bắp đối chứng vàng úa, nhiều diện tích đã chết héo.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, DASU Bác Ái đã mở 2 lớp tập huấn hiện trường kỹ thuật trồng bắp lai theo phương pháp mới, qua đó giúp cho trên 50 hộ nông dân tiếp cận và nắm bắt kỹ thuật trồng, chăm sóc bắp. Anh Ka-tơ Kinh, trồng 5 sào bắp theo mô hình dự án chia sẻ: Do vừa rồi nắng hạn, nên bắp chỉ phát triển chừng đó, nếu có mưa đủ nước tưới thì bắp còn tốt hơn nữa. Sở dĩ bắp mô hình vẫn sinh trưởng là nhờ nông dân được hướng dẫn làm cỏ, bón phân 3 đợt (do dự án hỗ trợ), giữ được độ ẩm. Để chứng minh nhận định của mình, anh Kinh chỉ cho chúng tôi quan sát rẫy bắp cũng của mô hình trồng trong khu vực, tuy vẫn xanh tốt nhưng vì không bón phân đủ theo quy trình nên khi thiếu nước, bắp chỉ đậu trái nhỏ. Một số nông dân có rẫy bắp thực hiện đúng hướng dẫn kỹ thuật mà chúng tôi gặp gỡ trao đổi đều tỏ ra lạc quan trước triển vọng thu hoạch đạt năng suất cao. Các anh Pi-năng Minh, Ka-tơ Thinh, mỗi người cũng đều trồng 5 sào bắp theo mô hình khẳng định đây là lần đầu tiên các anh canh tác theo kỹ thuật mới và đem lại hiệu quả khả quan như vậy.

Đặc biệt với sự tham gia của DN Mạnh Xuân, một DN đã có bề dày kinh nghiệm về kinh doanh, sản xuất ở miền núi, sẽ giúp cho người trồng bắp ở Phước Bình không còn lo bị tư thương ép giá hoặc cấn nợ mua “bắp non”. Qua thực hiện dự án, không chỉ phát triển chuỗi giá trị bắp mà còn xác lập được mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và giữa tổ nhóm với DN Mạnh Xuân. Theo hợp đồng đã ký, ngoài cam kết bao tiêu sản phẩm, thu mua bắp lai với giá cao hơn thị trường, trong quá trình hoạt động, DN sẽ từng bước chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, hỗ trợ vốn vay cho các hộ trong tổ nhóm đầu tư tái sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân từng bước tăng thu nhập, hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững.