Châu Thanh Hải
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 10-4-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đã xác định: “Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, gắn khai thác với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đảm bảo quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội”. Theo đó, việc sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo và từng bước tổ chức thực hiện, đạt được nhiều kết quả như: Hoàn thành việc tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc: Kinh, Chăm, Raglai; đầu tư nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo, phát triển hạ tầng gắn liền với hệ thống di sản, di tích, danh lam thắng cảnh phục vụ cho phát triển du lịch, cùng với việc triển khai sưu tầm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc trong tỉnh.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Mỹ Nghiệp (Phước Dân, Ninh Phước). Ảnh: Văn Miên
Một số lễ hội truyền thống đã được khôi phục, bảo tồn và phát huy. Đáng chú ý là công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ như: Văn nghệ dân gian Chăm, Mã La dân tộc Raglai; bảo tồn các lễ hội dân gian truyền thống như các lễ hội Cầu Ngư, lễ hội đình làng Mỹ Tân và Cà Ná, đình Vạn Phước; Lễ hội Katê, Ramưvan và các lễ hội của người Chăm, lễ hội Mừng lúa mới, Ăn đầu lúa của người Raglai... Bên cạnh đó, đã gắn việc bảo tồn một số nghề truyền thống của dân tộc để phục vụ khách tham quan như: Nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ, nghề làm gốm Bàu Trúc, nghề dệt chiếu cói An Thạnh, nghề làm đũa-đồ gỗ thủ công mỹ nghệ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn); nghề làm nỏ, gùi, đàn Chapi, khèn bầu... ở các xã có tập trung đồng bào Raglai sinh sống (Bác Ái)..., nhằm thu hút du khách đến các làng bản dân tộc thiểu số để có cơ hội tìm hiểu giá trị văn hóa bản địa, tập quán sinh hoạt, sản xuất, lao động, tham gia vào hoạt động lễ hội, văn hóa dân gian, cùng người dân sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, tìm hiểu kiến trúc nghệ thuật và thưởng thức các đặc sản văn hóa ẩm thực truyền thống. Ngoài ra, việc bảo tồn các làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đã và đang được triển khai như: Làng sinh thái ở thôn Hành Rạc 1 (dân tộc Raglai), Làng sinh thái thôn văn hóa Bố Lang (dân tộc Churu), Khu vực Hồ sinh thái Đa Mây thuộc vườn quốc gia Phước Bình; thôn Cầu Gãy, Đá Hang (dân tộc Raglai) thuộc vườn quốc gia Núi Chúa...
Trên cơ sở các hoạt động tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc phục vụ cho phát triển du lịch bền vững; ngành Văn hóa, Thể tháo và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công các sự kiện văn hóa du lịch có tầm ảnh hưởng lớn như: Liên hoan Làng biển Việt Nam năm 2011, Ngày hội Văn hóa, thể thao và Du lịch vùng đồng bào Chăm, Ninh Thuận năm 2012, Ngày hội văn hóa Raglai năm 2013; Lễ hội Nho và Vang quốc tế năm 2014; đặc biệt là tổ chức giới thiệu 7 danh lam, di tích đã được Tổ chức Kỷ lục Guiness Việt Nam xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam năm 2014… góp phần giới thiệu nét văn hóa truyền thống đặc sắc các giá trị văn hóa dân tộc Ninh Thuận, thu hút lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan đạt mức tăng trưởng bình quân 16%/năm, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt bình quân 15%/năm (giai đoạn 2010-2015)…
Làng gốm Bàu Trúc được công nhận vào Top “20 làng nghề truyền thống Việt Nam, nổi tiếng với những sản phẩm độc đáo, tinh xảo”.
Để tiếp tục khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch thông qua việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc cần hướng tới thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu như sau:
- Tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước; giới thiệu, quảng bá cho khách du lịch trong nước và quốc tế về lịch sử, nét đẹp văn hoá, thiên nhiên, con người Ninh Thuận.
- Tiếp tục đầu tư mới và nâng cấp kết cấu hạ tầng dịch vụ phục vụ gắn liền với di tích, danh lam thắng cảnh phục vụ du lịch.
- Đẩy mạnh sự hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa; tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch để cải thiện sinh kế, nâng cao mức sống và qua đó hạn chế các tác động của cộng đồng đến tài nguyên, môi trường, góp phần cho phát triển du lịch bền vững tại Ninh Thuận.
Mặc dù Ninh Thuận còn nằm trong vùng “lõm” của phát triển du lịch, nhưng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh ta đã và đang phát huy nội lực, đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích mở rộng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với địa phương nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trụ cột thứ 2 trong 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, qua đó góp phần hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Đây là nhiệm vụ quan trọng, vì vậy đòi hỏi cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn diện.