Trải qua 30 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thực hiện tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển văn hóa bảo đảm ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về suy giảm kinh tế và những bất ổn vĩ mô làm giảm các cơ hội việc làm bền vững của người lao động.
Hơn nữa, Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp như biến đổi khí hậu, chênh lệch về mức sống gia tăng, nghèo đói của đồng bào dân tộc thiểu số, nghèo đô thị và di cư, chất lượng giáo dục-đào tạo, phát triển văn hóa và bảo đảm công bằng xã hội chưa theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước, năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân còn yếu trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng.
Bảo đảm chất lượng cuộc sống của nhân dân
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng đã thể hiện nội dung về quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là quá trình tổng kết thực tiễn và lý luận qua hơn 30 năm đổi mới, được củng cố hoàn thiện và phát triển qua từng giai đoạn gắn với các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.
Để khẳng định tư tưởng, quan điểm của Đảng trong văn kiện, cần thống nhất về mặt lý luận, làm sáng tỏ cũng như định hướng cụ thể những vấn đề về tính chất xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội, quản lý phát triển xã hội, những căn cứ để đánh giá việc thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, đánh giá tính bền vững trong các chính sách xã hội, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực quốc gia sao cho tăng tính hiệu quả của quá trình tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển xã hội.
Về mặt lý luận, cần làm rõ khái niệm, nguyên tắc, nội dung và mục tiêu quản lý phát triển xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước hết, phát triển xã hội là phát triển những mặt xã hội được thể hiện qua các chính sách và giải pháp thực hiện các chính sách đó. Còn quản lý phát triển xã hội là những hoạt động bảo đảm cho xã hội phát triển theo đúng quy luật. Sự quản lý đó thể hiện trên hai mặt: Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật; và các tổ chức xã hội thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua giám sát thực thi pháp luật và nhân dân thượng tôn pháp luật.
Thứ hai, về nguyên tắc quản lý phát triển xã hội phải bảo đảm công bằng, tiến bộ và bình đẳng xã hội.
Thứ ba, nội dung quản lý phát triển xã hội trong quá trình đổi mới và hội nhập phải thực sự bảo đảm phát triển chất lượng cuộc sống của nhân dân; vị thế của nhân dân là chủ xã hội và quyền làm chủ được tôn trọng; gia đình hòa thuận, cộng đồng hài hòa; môi trường xã hội an toàn, lành mạnh; con người phát triển toàn diện, có cơ hội cống hiến và hưởng thụ thành quả.
Thứ tư, mục tiêu quản lý phát triển xã hội phải thể hiện được tinh thần tự đổi mới, tự hoàn thiện, cũng cố, phát triển; theo dõi biến đổi cơ cấu, giai tầng xã hội để điều chỉnh; tạo sự đồng thuận xã hội bằng giải pháp đối thoại; dân chủ hóa; tăng cường pháp luật; đề cao trách nhiệm của nhân dân là chủ thể phát triển xã hội; thanh tra, kiểm tra, giám sát, thông tin; xây dựng lý thuyết quản lý phát triển xã hội. Đây chính là nền tảng về nhận thức để Đảng và nhân dân ta thực hiện mục tiêu xây dựng một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Các giải pháp quản lý phát triển xã hội hiệu quả
Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cần tập trung vào những giải pháp về cơ chế, chính sách cơ bản.
Trước hết, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chính sách xã hội, an sinh xã hội, tạo hành lang pháp lý để kiến tạo mô hình hệ thống an sinh xã hội với các trụ cột cơ bản để bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân theo hiến định trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ hai, mục tiêu phát triển xã hội bền vững để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phải được thực hiện thông qua các giải pháp quản lý phát triển xã hội hiệu quả để giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, phân hóa giàu nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững nhằm khắc phục từng bước sự mất cân đối về cơ cấu dân cư, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo; kiểm soát và xử lý các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, để bảo đảm mọi người dân đều được tự do, bình đẵng cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện.
Thứ ba, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội là phải gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của sự nghiệp đổi mới.
Thứ tư, thực hiện các cơ hội bình đẳng để giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động thì Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, cơ chế và giải pháp tích cực để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng tỷ trọng lao động khu vực chính thức; nâng cao chất lượng nguồn lao động của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ năm, hoàn thiện chính sách phân phối và phân phối lại phải bảo đảm lợi ích của Nhà nước, người lao động và cơ quan, doanh nghiệp. Chú trọng phân phối lại qua phúc lợi xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế. Mở rộng chính sách phúc lợi xã hội thành hệ thống chính sách an sinh xã hội đa tầng. Đây là một trong những chỉ báo quan trọng của một xã hội công bằng và văn minh.
Thứ sáu, đảm bảo tốt an sinh xã hội: Nhà nước cân đối khả năng, huy động các nguồn lực, NSNN trong giai đoạn 2016-2020 để bảo đảm bố trí kinh phí thực hiện hằng năm cho các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, đề án đã được phê duyệt; xem xét cân đối khả năng ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, lương của người về hưu thấp, đời sống khó khăn; ban hành chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều để có cơ sở điều tra, phân loại, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo làm căn cứ xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -2020 theo hướng tập trung chống tái nghèo và duy trì thành quả giảm nghèo bền vững. Tổ chức tốt hơn việc cung cấp các dịch vụ cơ bản (nhà ở, nước sạch, y tế, giáo dục, thông tin) nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Cuối cùng, coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em theo hướng đảm bảo công bằng, giảm chênh lệch mới về tiếp cận chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân giữa các địa bàn, các nhóm đối tượng. Đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển; phòng bệnh hơn chữa bệnh; chuyển từ cơ chế đầu tư tài chính cho cơ sở y tế sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua Bảo hiểm Y tế và tiến tới Bảo hiểm Y tế toàn dân; bảo đảm để mọi người dân có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng; bình đẳng giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân, thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; bảo đảm sự quản lý, điều tiết và đầu tư thích hợp của Nhà nước trong lĩnh vực này phù hợp với sự phát triển xã hội, có chính sách hỗ trợ cần thiết đối với người nghèo và các đối tượng khó khăn.
Nguồn chinhphu.vn