Ảnh minh họa
Im lặng là vàng
Lo lắng về sức ép hội nhập đối với ngành chăn nuôi, trong thời gian này, Bộ NN&PTNT đã tổ chức liên tiếp các hội nghị cho các sản phẩm chủ lực về gia cầm, gia súc. Tại các hội nghị này, nhiều DN vừa và nhỏ có dịp giãi bày nỗi niềm với các nhà quản lý.
Tuy nhiên, thông suốt các hội nghị này không hề có tiếng nói nổi bật của các DN FDI trong ngành chăn nuôi như CP, Cargill, Japfa… Trong khi đó, cả nhà quản lý và các hộ nuôi gia công dù quy mô lớn nhỏ thế nào đều biết đến ba cái tên này như thể “biểu tượng” của DN trong ngành chăn nuôi.
Họ im lặng bởi họ không phải là người tổn thương đầu tiên. Và, nếu có tổn thương thì với nguyên lý kinh doanh “cái đầu hầu cái cuối”, với số lợi nhuận đã thu được, họ cũng đã có cơ sở để bù đắp những thua thiệt nếu có trong quá trình hội nhập sắp tới.
Trong im lặng giữa sóng thông tin về khó khăn của ngành chăn nuôi, Tập đoàn Japfa Comfeed Vietnam đã đưa vào hoạt động Công ty Di truyền giống Japfa Hypor (liên doanh với Hà Lan) và trại heo giống cụ kị tại Long An. Chỉ riêng với trại heo giống, nhà đầu tư đã chi tới 5 triệu USD, nhập khẩu khoảng 700 con giống từ Canada và Pháp với trị giá khoảng 1,5 triệu USD để khai trương hoạt động của trại heo này.
Cũng trong im lặng như vậy, công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam đã xây dựng được chuỗi 10.000 cửa hàng trên cả nước cung cấp thực phẩm sạch. Chiến lược của CP là hợp tác với những đối tác, nhà người dân có mặt bằng đẹp để xây dựng cửa hàng. Riêng lĩnh vực cung cấp thức ăn chăn nuôi, công ty CP cũng tiếp tục xây dựng nhà máy mới ở Bình Định có công suất 216.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư hơn 416 tỉ đồng.
Trước đó, Công ty TNHH Cargill Việt Nam đã khánh thành nhà máy sản xuất thứ 9 tại Việt Nam. Như vậy, cho đến hiện nay, Cargill đã nâng tổng công suất sản xuất lên 1,5 triệu tấn.
Không cần tới những thống kê về sự chiếm lĩnh thị thị trường, chỉ cần nhìn những động thái bình tĩnh phát triển, mở rộng quy mô sản xuất của các DN FDI, người ta cũng phần nào thấy được cái “thế” của các DN này trong thị trường chăn nuôi hiện nay.
Quy hoạch thúc đẩy các DN nội “bắt tay”
Vào cuối tháng 4/2015, Tập đoàn Masan- một đơn vị nội địa có hoạt động chính là tư vấn quản lý và tư vấn đầu tư đã bước vào sân chơi thị trường kinh doanh thực phẩm. Mới đây, Masan đã liên tiếp mua 52% cổ phần của Công ty cổ phần Việt-Pháp chuyên sản xuất thức ăn gia súc và 70% cổ phần Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế. Như vậy, Masan được kỳ vọng sẽ là công ty sản xuất thức ăn dành cho heo lớn nhất đồng thời là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) lớn thứ hai ở Việt Nam, với sản lượng cung cấp cho thị trường năm 2014 trên 1,7 triệu tấn.
Trước đó, Tập đoàn Hòa Phát cũng chính thức tham gia thị trường TACN với việc thành lập Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Sản xuất TACN có vốn điều lệ dự kiến 300 tỉ đồng. Theo kế hoạch, công suất nhà máy đầu tiên là 300.000 tấn/năm và sản phẩm TACN của Hòa Phát sẽ xuất hiện trên thị trường vào tháng 1/2016. Hòa Phát đặt thị phần mục tiêu sau 10 năm là 10% với quy mô vốn đầu tư có thể lên đến 8.000-10.000 tỉ đồng....
Tuy nhiên, nhìn lại thì các DN quy mô như vậy ở Việt Nam chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Đó là chỉ tính quy mô, còn yếu tố tiên quyết hơn trong việc chiếm lĩnh thị trường đó chính là kinh nghiệm thương trường. Trong khi đó, các DN nội chủ yếu là “tay ngang” chứ không phải các công ty, tập đoàn đa quốc gia chuyên về lĩnh vực chăn nuôi như các DN FDI.
Khi TACN còn chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu giá sản phẩm chăn nuôi thì xu thế xuất hiện các “đại gia” nội địa trong lĩnh vực sản xuất TACN cũng dễ hiểu. Nhưng xu thế đó cũng cho thấy DN chưa thực sự mặn mà với ngành chăn nuôi nên chưa đầu tư vào khâu sản xuất.
Lý do cốt yếu ở đây chính là việc sản xuất còn nhiều bấp bênh. Đại đa số các công ty chăn nuôi đều có những cơ sở chăn nuôi vệ tinh, phần lớn mặt bằng sản xuất do các DN chăn nuôi hoặc chủ trang trại tự đi thuê với giá cao, thời hạn ngắn, không đảm bảo để đầu tư lớn. Quan trọng nhất, việc đầu tư chi phí xử lý môi trường còn cao, quá khả năng đối với các chủ trang trại. Nhiều trang trại gặp khó về nguồn đầu tư sản xuất, nhất là tiếp cận vốn vay ngân hàng…
Cho dù là DN sản xuất TACN hay trực tiếp làm trang trại chăn nuôi thì DN còn thiếu những sự liên kết để tạo thành một khối lớn mạnh đủ lực làm chủ thi trường. Yếu tố quan trọng của liên kết là sự chủ động của từng nhân tố muốn hợp tác, bắt tay làm ăn với nhau. Tuy nhiên, nếu nhìn vào trong chính sách thì cũng còn thiếu những “cú hích” để cộng đồng DN nội sát gần lại với nhau hơn.
Chia sẻ câu chuyện quy hoạch vùng chăn nuôi với ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, ông cho hay: Nhiều địa phương còn hiểu nhầm cụm từ “quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung”. Nếu cứ quy hoạch cho các trang trại chăn nuôi san sát nhau như nhà phân lô ở đô thị thì khi có dịch sẽ “mất mùa” hàng loạt. Quy hoạch tập trung có nghĩ là phải đồng bộ hạ tầng cho vùng chăn nuôi, có vùng “đệm” để xử lý môi trường và tránh tình trạng bùng phát dịch. Vùng chăn nuôi đó khi đã được quy hoạch thì người dân cần tuân thủ và không xây dựng nhà ở trong đó.
Trong lúc địa phương vẫn hiểu nhầm về quy hoạch, Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT không thể can thiệp sâu vào quy hoạch vùng của các địa phương… thì người duy nhất đủ sức tự quy hoạch cho vùng sản xuất và thị trường của mình hiện nay chỉ còn lại các DN FDI.
Nguồn chinhphu.vn