Đây quả là tín hiệu đáng mừng vì người tiêu dùng đã thay đổi nhận thức, thói quen ưu tiên dùng hàng Việt. Đồng thời cũng là kết quả từ sự nỗ lực của tỉnh ta trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Cuộc vận động nói trên đến các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh phân phối đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, lựa chọn, mua sắm, sử dụng hàng Việt. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh và xây dựng thương hiệu gắn với tăng cường giới thiệu, quảng bá hàng hóa.
Doanh nghiệp Co.op Mart đưa hàng thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng huyện Ninh Sơn. Ảnh: Sơn Ngọc
Các ngành chức năng hữu quan của tỉnh đã tăng cường công tác quản lý thị trường, thuế để đấu tranh chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng và sản xuất hàng hóa trong nước; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu theo quy định của pháp luật… Mặt khác, cũng cần ghi nhận sự cố gắng của nhiều nhà sản xuất, các doanh nghiệp đã “hướng nội”, vì người tiêu dùng trong nước với chất lượng hàng hóa không ngừng được cải thiện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, càng “khó tính” của người dân khi mua sắm.
Thế nhưng, thực tế cũng cần nhìn nhận, đó là có những mặt hàng sản xuất trong nước chất lượng vẫn chưa đủ sức cạnh tranh, chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Không chỉ có vậy, nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu hàng Việt uy tín đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó ý thức của một số doanh nghiệp, thương nhân còn hạn chế, chủ yếu vì lợi ích riêng nên tạo điều kiện, tiếp tay cho hàng nhái, hàng kém chất lượng tồn tại…
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hàng Việt đứng vững trên “sân nhà” và trong lòng người dân Việt?. Theo chúng tôi, để người Việt từ tự giác đến tự hào khi lựa chọn hàng Việt, chinh phục người tiêu dùng tốt hơn thì không gì khác, các doanh nghiệp sản xuất cần có sự chuyển mình mạnh mẽ; phải không ngừng cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; đánh trúng thị hiếu và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; có sự liên kết chặt chẽ để cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, gắn với phát huy lợi thế “sân nhà”. Một khi doanh nghiệp vì người tiêu dùng Việt thì chắc hẳn người tiêu dùng sẽ không quay lưng lại với hàng hóa được sản xuất trong nước. Cùng với ý thức của mỗi người tiêu dùng, trách nhiệm của các doanh nghiệp, thì Nhà nước, và cơ quan chức năng cũng cần có những chính sách cụ thể để kích cầu tiêu dùng hàng nội địa. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống các hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại như điều tra, khảo sát thị trường người tiêu dùng, tổ chức các hội chợ, phiên chợ, điểm bán hàng Việt…
Suy cho cùng, khi Nhà nước, nhà sản xuất và người dân cùng đồng hành vì hàng Việt thì khẩu hiệu “Tự hào hàng Việt Nam” sẽ trở thành hiện thực không xa.
Hạ Huyền