Ảnh minh họa
Công nghiệp chế biến chế tạo và BĐS chiếm hơn 70% vốn đầu tư
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết 8 nước ASEAN (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia) đã đầu tư vào 18/18 ngành kinh tế của Việt Nam.
Lĩnh vực thu hút được nhiều dự án của nhà đầu tư ASEAN là công nghiệp chế biến, chế tạo (1.009 dự án và 22,2 tỉ USD, chiếm 38% tổng số dự án và 40,8% tổng vốn đầu tư).
Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đa phần các dự án là từ nhà đầu tư Singapore (438 dự án và 13,4 tỉ USD, chiếm 43% tổng số dự án và 60% tổng vốn đầu tư). Tiếp đến là Thái Lan (184 dự án và 5,7 tỉ USD, chiếm 18,2% tổng số dự án và 26% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 3 là Malaysia (225 dự án và 1,98 tỉ USD, chiếm 22,2% tổng số dự án và 9% tổng vốn đầu tư).
Trong công nghiệp chế biến chế tạo, các dự án trong lĩnh vực điện, điện tử đóng vai trò khá quan trọng trong đầu tư của các nước ASEAN, đặc biệt là Singapore.
Một số dự án lớn tiêu biểu trong lĩnh vực này là Samsung Electronics tại Thái Nguyên và Bắc Ninh và dự án Samsung CE Complex tại TPHCM. Riêng 3 dự án này có tổng vốn đăng ký đạt 5,9 tỉ USD.
Dệt may cũng là một trong các lĩnh vực mà các nước ASEAN còn nhiều dự án. Đặc điểm chung của các dự án trong lĩnh vực này là quy mô nhỏ (bình quân khoảng 6 triệu USD/dự án), thường tập trung tại các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Long An.
Tuy số lượng cũng như quy mô không cao bằng lĩnh vực điện tử, song các dự án dệt may cũng góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương và thúc đẩy tạo ra các sản phẩm tiêu dùng chất lượng.
Trong lĩnh vực dệt may, Singapore, Thái Lan và Brunei là những quốc gia có nhiều dự án hơn cả.
Ngành kinh doanh bất động sản (BĐS) đứng thứ 2 với 97 dự án và 16,6 tỉ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư. Do đặc trưng nên quy mô bình quân dự án trong lĩnh vực này khá cao, khoảng 167 triệu USD/dự án.
Như vậy, riêng 2 lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và kinh doanh BĐS đã chiếm đến hơn 70% tổng vốn đầu tư của ASEAN.
Trong đầu tư kinh doanh BĐS, Singapore cũng chiếm đa phần các dự án (77 dự án và 10 tỉ USD, chiếm 77,7% tổng số dự án và 60% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 2 là Malaysia (16 dự án và 5,5 tỉ USD, chiếm 33,3% tổng vốn đầu tư). Brunei chỉ có 2 dự án, song tổng vốn đầu tư của 2 dự án này lên tới 1 tỉ USD.
Các dự án BĐS của các nước ASEAN tập trung chủ yếu tại TPHCM và Hà Nội, nhưng dự án BĐS lớn nhất trong ASEAN tại Việt Nam lại là dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An tại Quảng Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỉ USD của nhà đầu tư Singapore.
Đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tuy nông nghiệp là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế tại Việt Nam, nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành này vẫn khá hạn chế.
Hiện nay, ASEAN đã đầu tư 81 dự án nông nghiệp với tổng vốn đầu tư 1,08 tỉ USD, chiếm 2% so với tổng vốn đầu tư của ASEAN tại Việt Nam - quá nhỏ về số dự án và tỉ trọng vốn đầu tư.
Nguyên nhân khiến cho nguồn vốn FDI vào nông nghiệp trong thời gian dài vừa qua hạn chế là do đầu tư vào nông nghiệp không có lợi nhuận nhanh như các ngành hàng khác, đồng thời hay gặp nhiều rủi ro về thiên tai và biến động thị trường.
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp Việt Nam nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ còn thiếu và yếu trong khi chất lượng và năng suất lao động thấp.
Trong số các nước ASEAN, Thái Lan có tỉ trọng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều nhất (29 dự án và 477 triệu USD, chiếm 44% tổng vốn đầu tư của ngành nông nghiệp ASEAN vào Việt Nam). Tiếp theo là Singapore (28 dự án và 335 triệu USD, chiếm 30,8%), Malaysia (18 dự án và 146 triệu USD, chiếm 13,4%).
Về địa bàn, Đồng Nai, Bình Dương và Quảng Ninh là 3 địa phương thu hút được nhiều dự án nông nghiệp của ASEAN, chiếm tới trên 50% tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của các nước ASEAN.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, phát triển nông nghiệp luôn là mục tiêu và trọng tâm hàng đầu của Việt Nam. Việc thu hút vốn FDI vào ngành này cần được quan tâm thích đáng và có các chính sách thu hút đầu tư thích hợp, đặc biệt là từ các nước trong khối ASEAN vốn cũng có kinh nghiệm trong đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Định hướng thu hút FDI vào nông nghiệp sẽ tập trung đầu tư, khuyến khích vào lĩnh vực chế biến để tạo nên các sản phẩm nông sản mang thương hiệu quốc gia, có thể chen chân vào chuỗi giá trị thế giới.
Ngoài ra, cần chú trọng tăng cường thu hút FDI có chất lượng và giá trị gia tăng cao, sử dụng và bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tạo thêm nhiều việc làm và hỗ trợ cho những khâu yếu trong chuỗi giá trị nông sản, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị gia tăng cao.
Nguồn chinhphu.vn