Nhìn lại 9 tháng năm nay cho thấy CPI có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2005 trở lại đây, bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,07% và 9 tháng chỉ tăng 0,61% so với cuối năm 2014.
Người tiêu dùng mua hàng tiêu dùng tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, có các nguyên nhân như: Vụ đông - xuân, hè - thu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được mùa nên nguồn cung lương thực dồi dào đã tác động đến giá gạo trên địa bàn tỉnh giảm 0,6% so với cuối năm trước; giá xăng dầu được điều chỉnh liên tục, tính riêng xăng đã được điều chỉnh 4 đợt tăng giá, 8 đợt giảm giá; giá dầu 2 đợt tăng giá và 12 đợt giảm giá, nên 9 tháng chỉ số giá xăng, dầu giảm tới 17,16% so với cuối năm 2014...Điều này đã ảnh hưởng lớn đến chỉ số CPI như đã nói trên. Có thể nêu diễn biến giá tiêu dùng của một số nhóm mặt hàng chính trong 9 tháng như sau:
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống: Chỉ số nhóm này tăng 3,08% (chủ yếu một số mặt hàng thực phẩm tăng 4,74%), góp phần làm tăng CPI chung của tỉnh thêm 1,23% so với tháng 12- 2014. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,79%, chủ yếu là giá rượu ngoại, bia lon và thuốc lá có nguồn gốc nhập khẩu và nguyên liệu sản xuất nhập khẩu do tỷ giá USD tăng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,14% chủ yếu là giá đồ dùng trong nhà tăng như máy điều hòa tăng 4,39%, giá quạt điện tăng 6,84% do nhu cầu dùng nhiều vào mùa nắng nóng; giá đồ dùng bằng gỗ như giường, tủ, bàn ghế tăng 2,75%; dịch vụ gia đình như sửa chữa đồ dùng, thuê người giúp việc … tăng 2,86%...Nhóm giao thông giảm 8,17% so với tháng 12 năm 2014, đây là nhóm có chỉ số giảm mạnh nhất trong 11 nhóm mặt hàng chính, nhóm này giảm tác động tới CPI chung giảm 0,78%. Chỉ số nhóm này giảm do giá phương tiện đi lại giảm 1,39%; giá nhiên liệu giảm mạnh 17,16%, giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 5,92%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,63%, do giá dịch vụ du lịch trọn gói trong nước giảm 1,68%.
So với tháng 12-2014 giá vàng trên địa bàn tỉnh tăng 0,42%, bình quân 9 tháng giảm 5,98% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, chỉ số giá đôla Mỹ tăng 5,78% và tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Chung quy lại, chỉ số CPI giảm nhất là những mặt hàng thiết yếu đã giúp cho người tiêu dùng giảm một phần “gánh nặng” trong chi tiêu sinh hoạt hàng ngày cũng như mua sắm, sửa chữa nhà cửa, đi lại…Theo dự báo trong tháng tới CPI có nhiều khả năng tăng nhẹ do rơi vào thời điểm những tháng cuối năm-điều này gần như đã trở thành “thông lệ” thường niên.
HH