CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Đừng để tái diễn những tai nạn không đáng có!

(NTO) Vừa qua, tại khu vực thác Sakai thuộc xã Lâm Sơn, Ninh Sơn đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm làm 3 người chết và 2 người khác bị thương. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự chủ quan của những người thưởng ngoạn phong cảnh đẹp, hoang sơ... của thác này, đồng thời nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là thiếu các biển cảnh báo nguy hiểm có thể xảy ra khi địa điểm du lịch ở đây chưa được đầu tư để bảo đảm an toàn cho du khách cũng như người dân địa phương có nhu cầu đến vui chơi.

Du khách đến với thác Chapơ thuộc địa bàn xã Phước Tân, huyện Bác Ái. Ảnh: Sơn Ngọc

Thực ra, vụ tai nạn nói trên không phải là mới mà trước đó đã có những vụ đuối nước xảy ra tại một số điểm du lịch trong tỉnh, thậm chí là ngay tại bãi biển từ Ninh Chử đến Bình Sơn vốn có đông du khách nhưng vẫn xảy ra tai nạn do chủ quan trước sự kỳ vỹ nhưng cũng đầy “bí hiểm” của thiên nhiên,

cũng như thiếu sự quan tâm cảnh báo đầy đủ của cơ quan chức năng kể cả trong việc tổ chức đội cứu hộ, cứu nạn. Tỉnh ta vốn nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng: Thác Sakai (Ninh Sơn), Chapơ (Bác Ái), Suối Lồ Ồ (Ninh Hải) và nhiều sông, suối khác với những tên gọi “hấp dẫn” ngay khi mới thoạt nghe ban đầu. Đó là các suối Thương, suối Tiên, sông Trương... Đó là chưa kể tại các vùng biển với nhiều hang động, ghềnh đá san hô, động cát... còn mang đậm dấu hoang sơ, rất hấp dẫn đối với những du khách thích loại hình du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên, bao giờ “đằng sau” cái đẹp cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa nếu không được thông tin đầy đủ, có hướng dẫn viên chuyên nghiệp đi cùng và kỹ năng cần thiết để có thể “ứng phó” với tình huống xấu xảy ra, thì rất dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến “hình ảnh” không an toàn về du lịch tỉnh nhà.

Để khắc phục tình trạng trên, mới đây UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương cần khẩn trương tiến hành khảo sát những khu vực có suối, thác nước sâu, dễ trơn trượt để tiến hành cắm biển báo nguy hiểm; kiên quyết không để người dân, du khách tự ý tắm ở các khu vực này. Giao các đơn vị liên quan xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn theo quy định. Tổ chức lực lượng cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu tại khu du lịch, bể bơi, sông, hồ, suối... thuộc địa bàn quản lý. Mục tiêu vẫn là tạo an toàn tuyệt đối cho du khách và người dân địa phương, nhất là trong mùa mưa bão sắp đến luôn là hiểm họa rình rập tại các điểm sông, suối, thác nước nhất là ở khu vực miền núi.

Suy cho cùng, mục đích của du lịch luôn là “khám phá và hưởng thụ”. Do vậy, để tạo nên hình ảnh đẹp, hấp dẫn du khách rất cần đến sự quan tâm đầy đủ của ngành chức năng, cả chính quyền địa phương và người dân tại địa bàn du lịch để qua đó tạo cho du khách có kỳ nghỉ đúng nghĩa và an toàn.