Trẻ nhỏ và áp lực học hành

(NTO) Cả xóm tôi mấy ngày nay mọi người xôn xao cứ như ngày hội. Chẳng là trong xóm con anh lái xe cơ quan Huyện uỷ, vợ làm nhân viên bán vé xe khách vừa được học bổng toàn phần du học tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Gia đình, họ hàng mừng có con cháu giỏi giang, bà con lối xóm phấn khởi, chính quyền xã tự hào con em quê mình vào đại học danh tiếng.

Thế rồi, cái tin con anh “lái xe”, vợ “nhân viên bán vé” được học “miễn phí” tại đại học nổi tiếng thế giới như làn gió mát lan toả khắp tỉnh. Ai ai cũng tự hào vì địa phương mình có người tài giỏi, còn gia đình có con được học bổng Mỹ thì mát mày, mát mặt. Vâng, chuyện con cái học giỏi thi đậu vào các trường danh tiếng trong nước, ngoài nước không chỉ là mơ ước của riêng ai. Nhưng cũng vì vậy mà xuất hiện kỳ vọng của cha mẹ, của nhà trường, ngành giáo dục và xã hội vào việc học hành của con trẻ dẫn tới áp lực học hành đè nặng nên tuổi thơ ngay từ bậc học thấp nhất của giáo dục phổ thông.

Từ chuyện “chạy” cho con vào lớp một

Anh bạn cùng cơ quan hỏi: Này, năm nay con ông và tôi cùng bước vào năm thứ nhất “tiểu học”, vậy đã “ngắm” trường nào chưa? Việc học hành của con lâu nay “khoán” cho bà xã, vậy nên nghe anh hỏi tôi khá bất ngờ. Không chờ tôi trả lời anh thông báo: Tớ đã hỏi thăm mấy tay bên giáo dục, họ nói trường tiểu học TTT hiện là số một của tỉnh, khổ nỗi nếu học trường này sau khi “tốt nghiệp” chuyển lên tuyến trung học cơ sở lại là trường thuộc “top” cuối tỉnh. Dù không rành việc trường, lớp nhưng tôi thuộc dạng phản ứng nhanh: Chuyện đơn giản, ông cho cháu học hết lớp bốn rồi “chạy” cho cháu về trường tiểu học nào mà chuyển lên tuyến trên là trường trung học cơ sở “số một” của tỉnh.

Các cháu học sinh nô nức vào học lớp 1 năm học 2015- 2016. Ảnh: Sơn Ngọc

Vậy mà tôi nghĩ không ra, ông đúng người thông minh! Anh bạn nói. Về nhà, tôi đem chuyện học hành con anh bạn bàn với vợ. Nghe xong, bà xã tôi nói: Ai ai cũng muốn con mình có một xuất học tại ngôi trường mơ ước nên “quá tải” mới phải “chạy”. Dà, tưởng chỉ có “chạy” vào cơ quan nhà nước, “chạy” chức, “chạy” quyền ai dè có thêm vụ “chạy” học cho con nữa. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, vợ tôi mỉm cười: May mà anh có vợ giỏi giang, chứ giờ này mới “chạy” trường cho con thì chắc là không có vé vào trường “mơ ước”. Chuyện vào lớp một ngày xưa thật đơn giản, nay cho con vào lớp một cha mẹ chạy bở hơi tai!

Đến việc học thêm từ ngày đầu, tháng đầu con đến trường tiểu học

Vào lớp một những ngày đầu còn bỡ ngỡ bạn bè, trường lớp, thầy cô giáo sau quen dần cháu rất thích đến trường. Bé khoe rằng có nhiều bạn mới vui lắm, cô giáo chủ nhiệm trẻ xinh, hiền lành. Ngày cháu học hai buổi tại trường, ở nhà tối đến không phải học bài. Thấy cháu viết chữ khá đẹp cô giáo chủ nhiệm chọn tham gia thi “vở sạch, chữ đẹp” cấp trường. Thế rồi sáng sáng ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần cháu phải đi luyện thêm viết chữ đẹp. Vốn có năng khiếu vẽ, mẹ cháu mời cô giáo dạy giỏi cấp tỉnh về hội hoạ dạy kèm tại nhà vào các buổi chiều hai ngày nghỉ cuối tuần. Kỳ vọng sau này con mình sẽ vào trường danh tiếng của quốc gia và được du học ở nước ngoài, cha mẹ cho cháu học thêm chương trình lớp hai hằng ngày sau giờ học ở trường, học tiếng Anh tuần hai buổi tối. Chuyện tương lai của cháu bé thế nào là cả quãng đường dài nhưng từ thích thú việc học hành, cháu tỏ ra mệt mỏi và hỏi mẹ “lúc nào cũng học, học…, sao thứ bảy, chủ nhật con không được đi chơi với mẹ”? Nghe mà nao lòng khi tuổi thơ của con trẻ bị chính cha mẹ mình…không cho hưởng trọn vẹn!

Từ câu chuyện trên, có thể dễ dàng nhận thấy việc có một xuất học cho con tại ngôi trường mơ ước đã trở thành gánh nặng cho rất nhiều bậc cha mẹ. Những người khá giả thì “chạy” cho con vào trường điểm còn người lao động nghèo mơ ước con vào được “trường công” để mức đóng góp nhẹ hơn. Và hầu như khi năm học cũ chưa kết thúc thì các bậc phụ huynh đã hối hả lao vào các cuộc “đua ngầm” để chắc một xuất học cho con em mình. Cứ như thế, nạn nhân cuối cùng chính là những đứa trẻ phải gánh chịu những áp lực học hành bởi kỳ vọng của cha mẹ và bệnh thành tích trong giáo dục. Để con trẻ giảm tải áp lực học hành, vừa có kiến thức học ở trường vừa có kỹ năng sống phù hợp với xã hội hiện đại thì lời giải “trả lại tuổi thơ” cho trẻ nhỏ ở những người làm cha mẹ, nhà trường và ngành giáo dục.