Nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp thời kỳ hội nhập quốc tế

(NTO) Toàn Đảng bộ khối Doanh nghiệp hiện có 42 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) với 1.068 đảng viên, trong đó 336 đảng viên nữ, có 13 Đảng bộ cơ sở (73 chi bộ trực thuộc) và 29 chi bộ cơ sở hoạt động. Các TCCSĐ phân bổ ở các loại hình: Doanh nghiệp (DN) Nhà nước và có vốn Nhà nước chi phối: 16 (chiếm 38,1%); DN tư nhân: 25 (chiếm 59,5%); cơ quan hành chính: 1 (chiếm 2,4%).

Trong những năm qua, các cấp, các ngành triển khai nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển DN đã được ban hành và triển khai thực hiện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để các DN tiếp cận với các nguồn vốn, thị trường, mặt bằng sản xuất, nguồn nhân lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

 
Cán bộ, nhân viên Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận niềm nở
giao dịch với khách hàng. Ảnh: VM

Góp phần vào phát triển chung có vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng. Qua thực tế hoạt động cho thấy, một số tổ chức Đảng đã phát huy vai trò lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng và thực hiện quy chế, xác lập phương thức lãnh đạo tương đối phù hợp với điều kiện đặc điểm của từng DN; duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng, quan tâm động viên cán bộ, đảng viên và người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ở loại hình DN Nhà nước, tổ chức Đảng vừa phát huy vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh của DN. Nhiều TCCSĐ đã đạt kết quả tốt trong việc xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống người lao động. Ở loại hình công ty cổ phần có vốn Nhà nước chi phối hoặc không chi phối, do đặc thù đa số tổ chức Đảng từ DN Nhà nước chuyển sang nên khi mới chuyển đổi còn lúng túng trong hoạt động, nhất là trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, nhiều cấp ủy đã chuyển biến nhận thức, xây dựng được quy chế hoạt động và phát huy vai trò lãnh đạo trong cơ chế mới, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh của DN. Điều đó cho thấy chủ trương cổ phần hóa DN Nhà nước đã đem lại hiệu quả cả về kinh tế và chính trị-xã hội, là kết quả của đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong đó tổ chức Đảng trong các công ty cổ phần có vốn Nhà nước đóng vai trò quan trọng. Ở loại hình DN tư nhân, số DN có tổ chức Đảng và đảng viên hiện nay chưa nhiều, chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng còn phụ thuộc nhiều vào thái độ chính trị của chủ DN và vị trí, chức vụ của các cấp ủy viên trong DN, nhất là đồng chí Bí thư. Ở những đơn vị chủ DN là đảng viên (đã có từ trước) hoặc không phải đảng viên nhưng có ý thức trách nhiệm xây dựng Đảng thì hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể quần chúng trong DN thuận lợi, vai trò của tổ chức Đảng được đề cao. Đa số chủ DN tư nhân (là đảng viên hoặc không phải đảng viên) đã có thời gian công tác ở DN Nhà nước thường quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức Đảng, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Đảng, các đoàn thể quần chúng hoạt động.

 
Trong những năm qua, Đảng bộ Công ty TNHH May Tiến Thuận lãnh đạo đơn vị đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh,
tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho công nhân - lao động. Trong ảnh: Công nhân vào ca sản xuất. Ảnh: Văn Miên

 

Bên cạnh những kết quả nêu trên, vai trò tổ chức Đảng trong DN vẫn còn những hạn chế, biểu hiện cụ thể như: Một số ít tổ chức Đảng trong DN tư nhân bị “lu mờ”, nội dung và phương pháp lãnh đạo chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi về tổ chức, cơ chế quản lý và hội nhập quốc tế. Một số ít cấp ủy Đảng chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; chất lượng và hiệu quả sinh hoạt ở một số chi bộ đạt thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy Đảng triển khai chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy và Đảng ủy khối chưa đầy đủ, kịp thời. Một số bí thư cấp ủy không phải là thành viên của Hội đồng quản trị hoặc Ban Giám đốc nên điều kiện quan hệ, tiếp nhận thông tin hạn chế, do đó vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng bị giảm sút.

 Để nâng cao vai trò và hiệu lực lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các DN thời kỳ hội nhập quốc tế, Đảng bộ khối Doanh nghiệp đề ra một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của TCCSĐ cho các thành viên trong DN. Một trong những nhiệm vụ mà tổ chức Đảng phải thường xuyên coi trọng là tổ chức quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và người lao động về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, vai trò của tổ chức Đảng trong DN. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy và đảng viên đối với công tác xây dựng tổ chức Đảng trong DN, phấn đấu xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, nhất là đảng viên giữ cương vị chủ chốt trong DN.

Hai là, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng (nhất là vai trò Bí thư cấp ủy) ngay từ khi thành lập chi bộ hoặc chuẩn bị công tác nhân sự cấp ủy. Xác định rõ các mối quan hệ của tổ chức Đảng trong DN với chính quyền và các tổ chức thành viên trong DN. Các mối quan hệ phải được xác lập trên cơ sở quy định của Điều lệ Đảng, Luật Doanh nghiệp và các quy định cụ thể trong Điều lệ DN. Cùng với lãnh đạo bằng nghị quyết, xây dựng phương hướng, kế hoạch phát triển tổ chức Đảng, phát triển DN, cấp ủy còn lãnh đạo DN thông qua việc xây dựng tổ chức bộ máy và phân công nhiệm vụ đảng viên. Các chi bộ, tổ chức Đảng được thành lập gắn với xí nghiệp, tổ đội sản xuất, phòng, ban sao cho vừa phù hợp với hệ thống tổ chức của DN, vừa bảo đảm được sự quản lý trực tiếp một đội ngũ đảng viên đang công tác ở những đơn vị đó.

 

 Công nhân kỹ thuật Công ty Điện lực Ninh Thuận tu sửa lưới điện. Ảnh: Thanh Long

 Ba là, từng bước xác lập và hoàn thiện cơ chế hoạt động của tổ chức Đảng, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong DN theo đúng các quy định của Ban Bí thư. Tùy theo tình hình thực tế của DN, cấp ủy Đảng giới thiệu đảng viên tham gia Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát (nếu có) tại DN, trong đó chú trọng nhất là thành viên Hội đồng quản trị. Đối với loại hình không phải là DN Nhà nước, việc lựa chọn, đào tạo và bố trí đúng những cán bộ, đảng viên trung thực, có phẩm chất đạo đức, có năng lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phải trở thành yêu cầu số một về công tác cán bộ cho cấp ủy đảng ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay.

 Bốn là, kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động của cấp ủy Đảng, các tổ chức quần chúng trong DN. Chất lượng lãnh đạo của cấp ủy Đảng là một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng, thể hiện sức chiến đấu của mỗi cấp ủy Đảng. Việc thường xuyên kiện toàn và bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng phải được chú trọng đúng mức. Công tác kiện toàn cấp ủy phải được thực hiện theo kế hoạch gắn với kiện toàn cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, bảo đảm đáp ứng được các nhu cầu nhiệm vụ trước mắt, nhiệm vụ lâu dài và yêu cầu phát triển của DN; trên cơ sở bảo đảm đúng tiêu chuẩn, cần có sự chú ý đúng mức đến yêu cầu về cơ cấu và phân công của cấp ủy.

Năm là, đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên, chú trọng những cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, kỹ thuật, những công nhân trẻ đang trực tiếp lao động trong các dây chuyền, các bộ phận quan trọng. Chủ động đề xuất với cấp ủy cấp trên xây dựng và thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể trong DN đảm bảo có đủ phẩm chất, năng lực có thể giữ vai trò lãnh đạo. Xây dựng và củng cố tổ chức Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đoàn thể quần chúng khác trong DN theo đúng pháp luật của Nhà nước và điều lệ của mỗi đoàn thể. Định kỳ cấp ủy làm việc với các tổ chức đoàn thể để nắm tình hình hoạt động và có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Các đoàn thể tích cực phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu những đoàn viên, hội viên ưu tú để tổ chức Đảng xem xét, kết nạp vào Đảng, đồng thời vận động các đoàn viên, hội viên góp ý xây dựng tổ chức Đảng, đảng viên, góp phần xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh và đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.