Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Huyện ủy Thuận Nam

Chiều 26/9, Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Thuận Nam về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Dự buổi giám sát có đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Triển khai thực hiện công tác chống khai thác IUU, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Thuận Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh gắn với phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển; tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao, kiên quyết không để tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; lập danh sách các chủ tàu cá không hợp tác với chính quyền địa phương gửi đến các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý triệt để. Theo báo cáo, hiện nay toàn huyện có 901 chiếc tàu cá với hơn 6.000 lao động biển; trong đó, tàu từ 15m trở lên chiếm gần 50%; nhóm tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép, không đăng kiểm) là 152 chiếc; chưa lắp thiết bị hành trình 3 chiếc; nhóm tàu “nguy cơ cao” vi phạm IUU là 10 chiếc; đồng thời, trong 9 tháng năm 2024 đã xử phạt hành chính đối với 2 phương tiện của huyện và 3 phương tiện ngoài tỉnh vi phạm khai thác thủy sản IUU.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.

Tại buổi giám sát, lãnh đạo Huyện ủy và các địa phương ven biển của huyện Thuận Nam đã báo cáo làm rõ thêm tình hình, đồng thời kiến nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa địa phương với các ngành chức năng trong hoạt động quản lý, kiểm tra, kiểm soát chống khai thác IUU; hỗ trợ kinh phí lắp mới máy giám sát hành trình cho tàu của ngư dân bị hư hỏng; hướng dẫn thủ tục cho địa phương xóa khỏi danh sách quản lý các phương tiện không đăng ký lâu năm, bỏ bờ, hư hỏng và thay đổi chủ sở hữu ngoài địa phương; có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển bền vững ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản và tổ, đội ngư dân đoàn kết sản xuất, đánh bắt xa bờ.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện Thuận Nam trong triển khai công tác chống khai thác IUU thời gian qua, nhất là trong công tác phối hợp với ngành chức năng để kiểm soát chặt chẽ số lượng tàu thuyền, ngăn chặn nguy cơ tàu cá vi phạm IUU. Để chủ động phòng ngừa, tiến đến xóa “thẻ vàng” của EU do vi phạm trong khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, đồng chí đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Thuận Nam quan tâm cụ thể hóa Chỉ thị 32-CT/TW và chỉ đạo của Tỉnh ủy sát với tình hình thực tiễn địa phương; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thuỷ sản; theo dõi, chỉ đạo, đề ra các giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản của địa phương trên cơ sở nắm chắc, nắm đủ số lượng phương tiện, lao động, ngành nghề để quản lý, kiểm soát chặt chẽ và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong chống khai thác IUU. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện, thuyền viên ký cam kết không vi phạm IUU; quản lý tốt nhóm phương tiện khai thác dưới 6m; riêng nhóm tàu cá “3 không” cần có giải pháp hỗ trợ thủ tục pháp lý, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Chú trọng công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc hải sản tại các bến cá, cảng cá trên địa bàn; phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi hợp thức hóa nguồn gốc hải sản vi phạm IUU. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng giao UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp nghiên cứu hướng dẫn thủ tục, giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý phương tiện tàu cá theo quy định.

Liên quan đến vấn đề phát triển bền vững ngành thủy sản, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị huyện Thuận Nam nghiên cứu, đưa vào phát triển hơn nữa các dịch vụ hậu cần nghề cá; quan tâm hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay cải hoán, đóng mới tàu thuyền, đầu tư hệ thống kho lạnh, nhà bảo quản hải sản; đồng thời, chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật mới để hiện đại hóa nghề cá của địa phương; đẩy mạnh hoạt động đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.