- Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và Nhân dân được nâng lên, công tác phòng chống vi phạm, tội phạm, tham nhũng, lãng phí được quan tâm; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển khá sâu rộng, hiệu quả, không để xảy ra xét xử oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, các hành vi phạm tội được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh; việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động, thương mại được thực hiện tốt; các sai sót trong hoạt động tố tụng đã được hạn chế. Sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan tư pháp ngày càng chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
- Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp từng bước được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ tư pháp không ngừng phát triển và từng bước trưởng thành. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ tư pháp được quan tâm hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.
- Về công tác bổ trợ tư pháp, trên địa bàn tỉnh có 12 tổ chức hành nghề luật sư với 19 luật sư đang sinh hoạt tại Đoàn Luật sư tỉnh. Chất lượng đội ngũ luật sư từng bước được nâng lên. Các luật sư đã tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Tổ chức trợ giúp pháp lý có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao nhận thức pháp luật và bảo vệ quyền lợi cho những người nghèo, người có công với cách mạng và đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác giám định tư pháp đã đạt được những kết quả nhất định; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định được cải thiện đáng kể; thể chế về công tác giám định ngày càng được tăng cường. Công tác xã hội hóa công chứng được thực hiện rộng rãi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của công dân trên địa bàn tỉnh…
Kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp như đã nêu trên đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi cho kinh tế, xã hội tiếp tục phát triển; đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Tuy nhiên, qua thực tế thực hiện đã nổi lên một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục, đó là: Một số cấp ủy Đảng chưa thực hiện tốt định kỳ nghe các cơ quan tư pháp báo cáo nắm tình hình và kết quả hoạt động cải cách tư pháp để chỉ đạo. Công tác tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động tư pháp còn hạn chế, chưa tương xứng với ý nghĩa và tầm quan trọng của nhiệm vụ cải cách tư pháp. Về chất lượng hoạt động tư pháp còn có vụ việc kéo dài thời hạn thẩm tra, xác minh, giải quyết tin báo tội phạm ở cấp huyện, vẫn còn có vụ án hồ sơ, chứng cứ chưa chặt chẽ phải trả lại điều tra bổ sung; thực hiện việc tranh tụng tại phiên toà còn một số mặt chưa đáp ứng; trình độ và trách nhiệm của một số luật sư, người bào chữa còn hạn chế. Quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, nhất là quản lý luật sư có mặt chưa chặt chẽ. Việc đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ các cơ quan tư pháp chưa được quan tâm đúng mức, chưa được ưu tiên, còn bình quân chung với các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Mặt khác, đội ngũ cán bộ có chức danh pháp lý mặc dù đã có bước kiện toàn nhưng còn thiếu so với biên chế và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chiến lược cải cách tư pháp trong thời gian tới; bảo đảm an ninh chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội, tạo thuận lợi và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Nội chính Tỉnh ủy đề ra một số giải pháp như sau:
Một là, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện sát hợp với tình hình, tổ chức thực hiện hiệu quả các công việc đề ra ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương; phòng, chống có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, ma túy.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Quan tâm chỉ đạo công tác hòa giải cơ sở, giải quyết tốt những mâu thuẫn, tranh chấp khiếu kiện trong nội bộ Nhân dân ngay từ khi mới nảy sinh nhằm giảm tải các vụ việc cho các cơ quan tư pháp gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Rà soát, giải quyết dứt điểm, kịp thời khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; giải quyết tốt các vụ án điểm, tăng cường xét xử lưu động phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Ba là, đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với những nội dung thiết thực, phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan tư pháp. Tiếp tục chỉ đạo, kiện toàn và xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ. Chỉ đạo thực hiện tốt Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Cơ quan Điều tra theo Kết luận 79-KL/TW của Bộ Chính trị.
Bốn là, quan tâm công tác giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho Nhân dân, nhất là các đối tượng chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống ổn định, sớm hòa nhập với cộng đồng. Các cơ quan tư pháp có biện pháp đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo và cán bộ có chức danh tư pháp (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán) để nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, khám xét, bắt tạm giữ, tạm giam, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo đúng quy định của pháp luật; phát hiện chính xác, nhanh chóng mọi hành vi phạm tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; đồng thời phải chú ý chỉ đạo việc nghiên cứu, rút ra những kiến nghị với các cơ quan hữu quan loại trừ nguyên nhân, điều kiện phát sinh những vi phạm, tội phạm.
Năm là, chú trọng ưu tiên đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp; xây dựng trụ sở, trang bị phương tiện cho các cơ quan tư pháp, nhất là đội ngũ cán bộ tư pháp ở cấp huyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quan tâm hỗ trợ kinh phí để tăng cường xét xử lưu động phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Thực hiện một số giải pháp như trên, tin tưởng rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp sẽ tiếp tục thực hiện có kết quả Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.
Ngô Văn Thái
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy