Quang cảnh Phiên họp. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Báo cáo của Ban Chỉ đạo và các ý kiến phát biểu tại phiên họp cho biết: Từ phiên họp thứ 7 đến nay, công tác PCTN tiếp tục được triển khai tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục, xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN; các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng có những chuyển biến rõ nét. Hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương và các địa phương đạt nhiều kết quả, nhất là việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc về PCTN; kiểm tra đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị của BCĐ; tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế-xã hội tại các địa phương.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống tham nhũng tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, nâng cao chất lượng cán bộ được tuyển dụng và hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.
Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tích cực thực hiện như: công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức; cải cách hành chính và đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; minh bạch tài sản, thu nhập. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, số người đã kê khai tài sản thu nhập trong năm 2014 là 995.383 người, đạt 99,6% so với số người phải kê khai. Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tại Phiên họp, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung cho ý kiến, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2015. Cụ thể là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng. Các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí cho rằng, các cơ quan chức năng cần quan tâm chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, cung cấp thông tin về phòng chống tham nhũng cho các cơ quan báo chí.
Ban Chỉ đạo xác định: Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội về phòng ngừa tham nhũng, các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng; tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tập trung hoàn thành Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại 4 bộ, 10 địa phương, Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo trong 2 năm 2013 và 2014, Hướng dẫn số 06 về tổ chức rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại các địa phương; hoàn thành Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay”, Đề án Sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, công tác PCTN có những chuyển biến tích cực trên nhiều khâu: xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phòng ngừa tham nhũng; công tác kiểm tra, đôn đốc thúc đẩy theo chức năng của Ban Chỉ đạo có tác dụng tốt. Đã chú trọng các khâu còn yếu như giám định, án treo, sự phối hợp giữa các cơ quan, thu hồi tài sản, xét xử vụ án lớn, để tìm cách tháo gỡ, khắc phục. Từ đó, các khâu yếu kém nêu trên có chuyển biến tốt; một số vụ án lớn, phức tạp được thúc đẩy nhanh hơn, góp phần ngăn ngừa, hạn chế, răn đe tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư nhấn mạnh cần phải kiên trì, kiên quyết, mạnh mẽ và phối hợp tốt hơn nữa giữa các cơ quan trong công tác PCTN.
Về phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến hết năm, Tổng Bí thư yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm; tăng cường chỉ đạo tháo gỡ khó khăn khâu giám định, phục vụ tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử. Tổng Bí thư đồng ý với việc kiến nghị Bộ Chính trị ban hành chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay; tiến hành sơ kết ba năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để rút kinh nghiệm, thúc đẩy công tác PCTN hiệu quả hơn. Tiếp tục tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc PCTN; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, khi có ý kiến khác nhau thì báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo để giải quyết. Thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp luật và thực hiện pháp luật về PCTN.
Sáu tháng đầu năm nay, các bộ, ngành, địa phương đã chuyển đổi vị trí công tác 8.649 cán bộ, công chức, viên chức; có 18 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách, đã xử lý kỷ luật 11 người. Qua công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, đã kỷ luật 366 trường hợp có liên quan tham nhũng, cố ý làm trái. Qua thanh tra, phát hiện 29 vụ, 58 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan tham nhũng với số tiền 27,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 9,3 tỷ đồng...
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam