Chủ tịch nước tiếp tục các hoạt động tại Hội nghị Thượng đỉnh LHQ

Ngày 26/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục các hoạt động của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc (LHQ).

 

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh LHQ về phát triển bền vững ở New York ngày 25/9.
(Ảnh: Reuter/ TTXVN)

Chiều 26/9, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đã diễn ra Sự kiện cấp cao về mô hình phát triển nông thôn mới và cộng đồng bền vững do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hàn Quốc tổ chức. Tổng Thư ký LHQ, Tổng thống Hàn Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Lào, Tổng thống Peru, Tổng thống Rwanda, Tổng Giám đốc UNDP và Tổng Thư ký OECD được mời là diễn giả chính tại Hội nghị.

Theo đặc phái viên TTXVN, phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đã phản ánh khát vọng về một thế giới không còn đói nghèo. Chủ tịch nước nhấn mạnh do ba phần tư số người nghèo đói hiện sống ở nông thôn và hầu hết làm nông nghiệp, Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ việc đưa vào Chương trình nghị sự 2030 Mục tiêu “Tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn, cho các nghiên cứu và dịch vụ khuyến nông, phát triển công nghệ, các ngân hàng gien thực vật và vật nuôi để nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển”, nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị.

Chủ tịch nước kêu gọi các nước đang phát triển cần có chiến lược phát triển nông thôn phù hợp với hoàn cảnh của mình do nguồn lực và ngân sách hạn hẹp; thông báo với gần 70% dân cư sống ở nông thôn, Việt Nam đã triển khai Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí để thúc đẩy phát triển nông thôn, cải thiện điều kiện sống của nông dân. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn Việt Nam đang đổi thay rõ rệt, nhất là về cơ sở hạ tầng, về thu nhập của người nông dân. Chủ tịch nước đã nêu bật kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Việt Nam, đặc biệt là: Cần có cam kết chính trị mạnh mẽ và sự tham gia tích cực của toàn xã hội; đồng thời coi trọng xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, trang bị cho họ kiến thức cơ bản về nông thôn mới để công cuộc nông thôn được tiến hành nhanh hơn và tiết kiệm được nguồn lực mới; Xây dựng nông thôn mới phải do người dân làm chủ. Người dân sẽ tự tìm ra nhu cầu thực sự của họ để quyết định cách làm phù hợp và Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các nhu cầu thiết thực của họ; Cần xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực và việc sử dụng các nguồn lực phải công khai, minh bạch theo phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Chính phủ cần đưa ra các chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cuối cùng, Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm với các nước để cùng nhau phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và bảo đảm sẽ "không ai bị bỏ lại sau". Với những kinh nghiệm thực tiễn, thành quả to lớn về xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn của Việt Nam, phát biểu của Chủ tịch nước được toàn thể Hội nghị đón chào và hoan nghênh nhiệt liệt.

* Nhân dịp tham dự các hoạt động tại LHQ ở New York (Hoa Kỳ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedov. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước cho rằng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hai nước còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy quan hệ hợp tác đa dạng và thực chất. Hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư trên các lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu và thế mạnh như dệt may, da giầy, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, giống cây trồng và chăn nuôi, sản xuất bông nguyên liệu, vải sợi, dầu khí, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng..., qua đó tạo động lực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác. Chủ tịch nước đề nghị Turkmenistan sớm cử Đại sứ kiêm nhiệm Việt Nam và trân trọng mời Ngài Tổng thống Gurbanguly Berdimuhamedov thăm Việt Nam vào thời điểm thuận lợi. Tổng thống Gurbanguly Berdimuhamedov khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, nhất trí cao với các ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh. Hai vị lãnh đạo cũng nhất trí quan điểm là bạn bè truyền thống, hai nước cần phối hợp hiệu quả với nhau nhằm đóng góp tích cực vào việc đảm bảo hòa bình, an ninh quốc tế, giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tại cuộc gặp với Tổng thống Mozambique Filipe Jacinto Nyusi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Đảng FRELIMO và Nhà nước Mozambique. Để tiếp tục tăng cường quan hệ song phương, thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2015), Chủ tịch nước đề nghị hai nước tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn bộ/ngành, địa phương và doanh nghiệp để mở rộng hợp tác bằng những biện pháp cụ thể và thiết thực. Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã mời Tổng thống Filipe Jacinto Nyusi sớm thăm chính thức Việt Nam. Tổng thống F. J. Nyusi bày tỏ những ấn tượng sâu sắc trong chuyến thăm Việt Nam năm 2011 với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng, bày tỏ mong muốn sớm được thăm lại Việt Nam. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Chính phủ Mozambique tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án liên doanh của doanh nghiệp hai nước được triển khai hiệu quả tại Mozambique, trong đó có dự án liên doanh viễn thông Movitel của Tập đoàn Viettel, và Liên doanh hợp tác nông nghiệp về nghiên cứu phát triển cây lương thực và cây thực phẩm tại Mozambique giai đoạn 2013 – 2017. Tổng thống F. J. Nyusi đánh giá rất cao các dự án của Việt Nam ở Mozambique, khẳng định luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án liên doanh Việt Nam – Mozambique. Tổng thống cho rằng thành công của các liên doanh này sẽ góp phần to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của hai nước, tạo động lực để doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác, đầu tư sang các lĩnh vực nhiều tiềm năng khác như dầu khí, giao thông, giáo dục, hàng hải, xây dựng cảng biển... Tổng thống Nyusi cho biết sẽ sớm cử Bộ trưởng Giao thông sang Việt Nam để trao đổi các biện pháp hợp tác cụ thể. Hai vị lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, vì lợi ích của các nước đang phát triển. Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã cám ơn Mozambique ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019, Hội đồng Kinh tế Xã hội ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018 và Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Thủ tướng Vương quốc Na Uy, bà Erna Solberg.
(Ảnh: TTXVN)

Gặp Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị, để tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước thời gian tới, Việt Nam và Thụy Điển cần tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp và tiếp xúc cấp cao. Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã mời ông Stefan Lofven thăm chính thức Việt Nam và thông qua Thủ tướng Thụy Điển, mời Nhà vua Thụy Điển Gustav XVI thăm Việt Nam vào thời điểm thuận lợi. Thủ tướng Stefan Lofven cho biết nhiều thế hệ lãnh đạo Thụy Điển luôn có tình cảm tốt đẹp đối với Việt Nam. Cá nhân ông Stefan Lofven cũng luôn ủng hộ phát triển quan hệ với Việt Nam và mong muốn sớm thăm Việt Nam. Nhân dịp này, Thủ tướng Stefan Lofven cũng trân trọng mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Thụy Điển. Nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại giữa Việt Nam với Thụy Điển và EU, Chủ tịch nước đề nghị Thụy Điển thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA); mong Thụy Điển sớm công nhận và thúc đẩy Ủy ban châu Âu công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, qua đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với EU nói chung và với Thụy Điển nói riêng. Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng là cầu nối tích cực để EU và Thụy Điển tăng cường quan hệ với ASEAN. Thủ tướng S. Lofven khẳng định sẽ thúc đẩy để EVFTA sớm được ký kết và phê chuẩn. Với tiềm năng hợp tác còn rất lớn giữa hai nước, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ Thụy Điển hỗ trợ các công ty Thụy Điển đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Điển có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng sạch và tái tạo, vận tải, dịch vụ ngân hàng - tài chính, thiết bị y tế. Đồng thời, Việt Nam mong muốn Chính phủ Thụy Điển tiếp tục cung cấp ODA thông qua các tổ chức đa phương như LHQ, Ngân hàng Thế giới… để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện bình đẳng giới. Về tăng cường hợp tác giáo dục và đào tạo, Chủ tịch nước đề nghị Thụy Điển tiếp tục giúp Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao về lâm nghiệp, năng lượng, công nghệ sinh học, y học và báo chí; đồng thời thúc đẩy các mô hình trao đổi sinh viên và hợp tác đào tạo giữa các trường Đại học và Viện nghiên cứu hai nước. Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, Chủ tịch nước đề nghị Thụy Điển quan tâm và ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam trong giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên Hợp quốc năm 1982.

* Trong khuôn khổ các hoạt động của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại New York, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Marina Kaljurand. Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh một lần nữa chúc mừng bà Marina Kaljurand được bổ nhiệm giữ chức Ngoại trưởng Estonia hồi tháng 7 vừa qua, bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, hai Bộ Ngoại giao sẽ tăng cường phối hợp, đóng vai trò điều phối để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Estonia. Hai bên đánh giá cao việc triển khai ký kết các Hiệp định song phương nhằm tạo khuôn khổ pháp lý làm nền tảng thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Marina Kaljurand đã thay mặt chính phủ hai nước Việt Nam và Estonia ký kết “Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập”. Hai bên nhất trí cho rằng, việc ký kết hiệp định quan trọng này sẽ là tiền đề cho việc triển khai ký kết các thỏa thuận cụ thể về hợp tác kinh tế - thương mại, nông nghiệp, văn hóa – khoa học, giáo dục – đào tạo…giữa hai nước. Bà Marina Kaljurand khẳng định sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của Estonia đối với Việt Nam trong tiến trình triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU ký kết năm 2012 cũng như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU vừa kết thúc đàm phán tháng trước. Bộ trưởng Ngoại giao Estonia cũng bày tỏ nhất trí với quan điểm của Việt Nam và ASEAN về giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Romania Bogdan Lucian Aurescu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển vững chắc của mối quan hệ song phương hữu nghị, bền chặt trong suốt 65 năm qua; đồng thời mong muốn trong thời gian tới, hai bên tăng cường trao đổi đoàn, đặc biệt là các đoàn cấp cao nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, tạo xung lực cho quan hệ song phương phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là thương mại – đầu tư. Bộ trưởng Ngoại giao Romania B. L. Aurescu thông báo tình hình phát triển kinh tế rất khả quan của nước này, cho rằng với triển vọng tốt đẹp của hai nền kinh tế, tiềm năng hợp tác hai bên là rất lớn. Hai vị Bộ trưởng ngoại giao đã nhất trí về việc hai bên sớm tiến hành họp Ủy ban Hỗn hợp vào năm 2016 để đề ra những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là dầu khí, công nghệ thông tin, đóng tàu... Bộ trưởng Aurescu đánh giá cao các thế hệ sinh viên Việt Nam học tập tại Romania trước đây và hiện nay, coi đây là cầu nối hiệu quả cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Trên tinh thần đó, hai bên sẽ xem xét ký thỏa thuận khung về hợp tác giáo dục giai đoạn từ nay đến 2018. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Romania sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, thúc đẩy các nước EU sớm phê chuẩn hiện định thương mại tự do Việt Nam – EU. Bộ trưởng Aurescu cho biết sẽ nỗ lực hết sức mình để Romania là một trong những nước đầu tiên trong EU phê chuẩn hiệp định này. Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có việc chia sẻ kinh nghiệm giải quyết tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình, đồng thời khẳng định phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và đa phương.

Nguồn Báo Tin tức - TTXVN