Kiên quyết giải thể các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp làm ăn kém hiệu quả

Quốc hội cần ra Nghị quyết tăng cường quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp giai đoạn 2015 – 2020, trong đó nhấn mạnh sẽ kiên quyết giải thể các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp làm ăn kém hiệu quả...

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 22/9, khi cho ý kiến về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014.

Bức tranh quản lý đất đai tại các nông, lâm trường

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước cho hay, giai đoạn 2004 đến 2014 là giai đoạn thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, số lượng nông, lâm trường thường xuyên biến động: Năm 2005 có 444 nông, lâm trường; năm 2008 còn 281 nông, lâm trường (giải thể 24 nông trường, 14 lâm trường). Đến năm 2012 từ 423 nông, lâm trường, còn 387 nông, lâm trường, ban quản lý (145 nông trường, 151 lâm trường, 91 ban quản lý); giải thể 36 đơn vị (22 nông trường, 14 lâm trường). Đến nay, đã có 47/51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh được Ban Chỉ đạo Trung ương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đoàn giám sát đánh giá, trong giai đoạn 2004 - 2014, công tác quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh đã có những chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước 2004. Cụ thể: Một số nông, lâm trường đã được sắp xếp, chuyển đổi để phân biệt rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ công ích. Trên cơ sở đó đã tiến hành rà soát hiện trạng và lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng rừng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Các nông, lâm trường đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, phương án sử dụng đất; xác định rõ diện tích đất đai cần giữ lại để sản xuất kinh doanh chuyển sang hình thức thuê đất; chuyển giao một phần diện tích đất không có nhu cầu sử dụng, sử dụng hiệu quả thấp về cho địa phương quản lý , nhờ đó đã góp phần tăng cường quản lý, sử dụng đất đai, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân ở địa phương, giảm dần tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất tại các nông, lâm trường...

Tuy vậy, Đoàn giám sát cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc quản lý, sử dụng đất đai. Đó là: Việc rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường theo Nghị quyết số 28-NQ/TW thực hiện chậm, chất lượng và hiệu quả đạt được thấp; nhiều nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn tồn tại; hầu hết các nông, lâm trường mới thực hiện chuyển đổi tên gọi thành công ty hoặc Ban quản lý mà chưa có sự thay đổi trong quản trị đơn vị và quản lý, sử dụng đất đai; phần lớn các nông, lâm trường chuyển đổi thành doanh nghiệp (hơn 60% nông, lâm trường với khoảng 88% diện tích) đã không làm thủ tục chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai...

Đáng chú ý, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường ở các địa phương còn chậm, đến nay còn 43,5% số đơn vị với 54,2% diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ngoài ra nhiều nông, lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước khi được sắp xếp lại theo Nghị quyết 28-NQ/TW, sau khi sắp xếp lại đã chuyển đổi loại hình tổ chức, thay đổi chế độ sử dụng và thu hẹp quy mô đất đai nhưng chưa làm thủ tục điều chỉnh hoặc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Một yếu kém khác được chỉ ra là việc bàn giao đất cho địa phương quản lý thực hiện còn chậm, hiệu quả thấp. Theo báo cáo của các địa phương, trong 10 năm qua, các nông, lâm trường, ban quản lý rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia đã bàn giao cho địa phương quản lý 883.012 ha và dự kiến tiếp tục bàn giao khoảng 380.000 ha. “Tuy nhiên, so với quy định của pháp luật đất đai và Nghị quyết số 28-NQ/TW thì diện tích đất đã bàn giao cho địa phương còn thấp so với yêu cầu. Nhiều nông, lâm trường chủ yếu mới thực hiện việc bàn giao trên giấy tờ mà chưa hoàn thành việc bàn giao trên thực địa. Việc thu hồi đất của các nông, lâm trường quốc doanh sau khi sắp xếp lại thực hiện còn chậm, dẫn đến tình trạng đất “vô chủ” kéo dài...” – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước nêu.

Phải chỉ rõ địa chỉ chịu trách nhiệm

Phát biểu ý tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đánh giá cao cố gắng của Đoàn giám sát đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về công tác quản lý đất đai tại các nông, lâm trường. Tuy vậy, báo cáo cần khẳng định vai trò của nông, lâm trường với phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh miền núi trung du. “Sự hình thành của các nông, lâm trường quốc doanh được đánh dấu từ sau hòa bình lập lại ở Miền Bắc - năm 1955. Với lịch sử 60 năm hình thành, phát triển, qua nhiều giai đoạn, gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống nông, lâm trường quốc doanh đã làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế - xã hội của miền núi, đi đâu cũng thấy vai trò của các nông, lâm trường” – ông Phùng Quốc Hiển nói.

Đồng tình với những tồn tại, yếu kém trong quản lý các nông, lâm trường, ông kiến nghị: Quốc hội cần dành lượng kinh phí thỏa đáng để đo đạc, xác định lại đất đai của nông, lâm trường; đồng thời cũng cần tổ chức lại mối quan hệ sản xuất đối với các nông, lâm trường. “Chỉ khi nào giao đất, giao rừng có chủ và gắn với trách nhiệm thì mới có thể thực hiện được các mụ tiêu phủ xanh đất trống, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân” – Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển chốt lại phần cho ý kiến.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, “nhiều số liệu trong báo cáo lấy từ năm 2012, đã nói là giám sát trong 10 năm thì thời điểm cuối cùng phải là năm 2014”.

Về nhóm nguyên nhân của tồn tại, yếu kém, ông cho rằng, báo cáo cần đề cập đến một nguyên nhân quan trọng là việc quản trị, quản lý trực tiếp của các công ty. Mặt khác, báo cáo cũng cần rà soát lại trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương xem rạch ròi chưa, trách nhiệm liên đới như thế nào?

Cũng theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, việc phải làm ngay là thực hiện đầy đủ quyền lợi theo Luật Đất đai. Đồng thời, Nhà nước cũng cần xem chính sách với đất rừng quan trọng như đất lúa trước đây.

Cho ý kiến vào báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng lại băn khoăn bức tranh quản lý nông, lâm trường hơi "tối" quá, có phải tất cả các nông, lâm trường đều quản lý kém không? Ông đồng tình phải ra Nghị quyết tăng cường quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp giai đoạn 2015 – 2020, nhưng cần cân nhắc thời điểm để Chính phủ, các địa phương có thể làm được.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: “Phải xác định thời hạn hợp lý, khả thi”.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã giải trình thêm nhiều vấn đề được các thành viên UBTVQH cho ý kiến. Tuy vậy, Bộ trưởng cho rằng, “quy kết trách nhiệm là khó, tôi không muốn đổ cho khách quan nhưng vấn đề ở đây là cơ chế quản lý”.

Về giải pháp để giải quyết vấn đề, Bộ trưởng nhấn mạnh, “cần phải có mốc thời gian để dứt điểm, nếu không có Nghị quyết của Quốc hội thì chưa chắc 10 năm nữa đã dứt điểm được”.

Từ đó, Bộ trưởng đề nghị, cần ra Nghị quyết, trong đó cần nhấn mạnh sẽ kiên quyết giải thể các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp làm ăn kém hiệu quả.

Bộ trưởng cũng cho hay, sẽ kiến nghị Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì thanh tra, xử lý các vi phạm về sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường trọng điểm./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam