Cần rà soát, bổ sung đầy đủ các đối tượng chịu thuế và không chịu thuế xuất nhập khẩu

Sáng 21/9, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XNK) nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu cải cách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng minh bạch, đơn giản; Bổ sung quy định nhằm đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các cam kết quốc tế, đảm bảo phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia ký kết; đưa các quy định về các biện pháp phòng vệ về thuế vào dự thảo Luật để bảo đảm giá trị pháp lý của các quy định này, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng cũng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế XNK để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật với các văn bản có liên quan đã được ban hành mới hoặc sửa đổi như Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan…; đồng thời, khắc phục các vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Luật thuế XNK thời gian qua.

Qua thảo luận, một số ý kiến nhất trí nhóm đối tượng chịu thuế, không chịu thuế được quy định trong Dự thảo luật. Tuy nhiên, việc quy định chi tiết đối tượng chịu thuế và không chịu thuế như Dự thảo luật có thể không bao quát được đầy đủ những trường hợp phát sinh trong thực tiễn. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần rà soát, bổ sung đầy đủ các đối tượng chịu thuế và không chịu thuế vào Dự thảo luật.

Có ý kiến cho rằng, việc quy định cả đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế như Dự thảo luật là không hợp lý, dẫn đến không bao quát hết được các đối tượng chịu thuế và không chịu thuế. Do vậy, đề nghị chỉ quy định trong Dự thảo luật đối với đối tượng chịu thuế.

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định rõ ràng và minh bạch hơn trong các nội dung về miễn thuế để trả lời được câu hỏi: Miễn thuế đối với những mặt hàng nào và ai có thẩm quyền quyết định? Đồng thời, đề nghị Chính phủ kiểm tra làm rõ việc miễn thuế cho hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trên thực tế rất khó kiểm soát, dễ bị lợi dụng, lách luật trốn thuế, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Bà Nga dẫn chứng: Việc kiểm soát đường đi của xăng dầu tạm nhập tái xuất rất khó khăn. Trong 4 năm, có số liệu cho rằng đã cho tạm nhập và “bỏ quên” tái xuất đến gần 2 triệu tấn xăng dầu. Chúng tôi thấy rằng, việc cho tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng nào thì phải căn cứ vào quy định của quốc tế, nhất là công ước Kyoto.

Qua đó, bà Lê Thị Nga đề nghị kiểm tra lại xem có đúng là việc tạm nhập tái xuất đối với các mặt hàng lỏng như xăng dầu thời gian qua bị lách luật, tạm nhập và cho bán trong nước có gây thất thu cho ngân sách và ảnh hưởng đến sản xuất trong nước không.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị, Ban soạn thảo cần đánh giá rõ những tác động của việc sửa đổi luật lần này tới sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập của đất nước ta. Ông Ksor Phước cho rằng, phải tính tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, 3 lợi ích này nếu không được tính toán đầy đủ sẽ không có tác động thúc đẩy sản xuất mà còn kìm hãm sự phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá sâu sắc hơn tác động của luật thuế này dưới góc độ tác động tới đời sống xã hội. Theo bà Trương Thị Mai, việc giảm thuế để các mặt hàng nhập khẩu vào tự do hơn thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi gì, ngược lại đối với một số ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới mà trọng tâm là nông nghiệp, chăn nuôi, Chính phủ đã có giải pháp gì để ứng phó với những khó khăn này?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần quan tâm để có giải pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Bởi qua nhiều năm hội nhập cho thấy tỷ trọng nông nghiệp giảm nhưng tăng trưởng giảm, cạnh tranh kém. Hàng loạt dự án nước ngoài đầu tư lớn vào ô tô, máy tính, điện tử, viễn thông... nhưng bên trong không có công nghiệp phụ trợ./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam