Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tham dự còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ qua các thời kỳ; đại diện các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng đại diện Đại sứ quán và một số tổ chức quốc tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng ngành Thanh tra Việt Nam Huân chương
Độc lập hạng Nhất. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Diễn văn do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày đã ôn lại lịch sử vẻ vang của ngành Thanh tra, trong đó khẳng định: Việc thành lập Ban Thanh tra ngày 23/11/1945 đã đánh dấu sự ra đời và trở thành Ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam.
Trong suốt 70 năm xây dựng, trưởng thành, hoạt động của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Mặc dù với nhiều tên gọi khác nhau như: Ban Thanh tra đặc biệt (1945-1948), Ban Thanh tra Chính phủ (1949-1954), Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1955-1960), Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (1961-1983), Ủy ban Thanh tra Nhà nước (1984-1989), Thanh tra Nhà nước (1990-2004), Thanh tra Chính phủ (từ năm 2004 đến nay), nhưng cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra Việt Nam luôn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị, thể hiện được vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm, chấn chỉnh quản lý, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đáng chú ý, từ sau Đại hội XI của Đảng đến nay, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra có nhiều nỗ lực, tập trung thanh tra những lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm, góp phần phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm, chấn chỉnh những sơ hở trong công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, đề xuất các giải pháp phòng ngừa. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực, trách nhiệm các cấp, các ngành được nâng lên, đã tập trung giải quyết được nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều tiến bộ, nhất là xây dựng thể chế, triển khai các giải pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, phối hợp xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, từng bước tạo được lòng tin trong nhân dân. Công tác xây dựng ngành, xây dựng nội bộ được chú trọng...
Ghi nhận kết quả quá trình phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, năm 1990 ngành Thanh tra được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, năm 2010, Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.
Bên cạnh những thành tích và kết quả đạt được nêu trên, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết, sự phát triển của ngành Thanh tra chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và chưa đáp ứng đầy đủ kỳ vọng của nhân dân. Tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều và xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nhiều bức xúc của nhân dân chậm được giải quyết. Việc thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý tham nhũng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp…
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương thành tích của ngành, những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Thanh tra luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Nhấn mạnh trong những năm tới, tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp tác động nhiều mặt đến nước ta, ở trong nước, những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến ngành Thanh tra có nhiều vấn đề phức tạp…, Chủ tịch nước yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc tình hình hiện nay của đất nước, tập trung làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong xây dựng và hoàn thiện thể chế về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng, để huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tham gia vào thực hiện nhiệm vụ quan trọng này; đề ra được hệ thống đồng bộ các giải pháp cụ thể, thiết thực để ngăn ngừa có hiệu quả, phát hiện, xử lý kịp thời mọi sai phạm ngay khi vừa mới phát sinh, hạn chế thấp nhất hậu quả xấu có thể gây ra.
Đồng thời, ngành Thanh tra cần chủ động thanh tra theo kế hoạch, nắm chắc tình hình, thanh tra đột xuất, kịp thời, phù hợp với thực tiễn, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực nhằm phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, bất cập trong quản lý, xử lý các hành vi vi phạm, tiêu cực; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện đồng bộ các quy định trong lĩnh vực này; kịp thời xử lý các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội…
Nêu rõ công tác phòng, chống tham nhũng là một lĩnh vực hết sức quan trọng nhưng rất phức tạp, đòi hỏi ngành Thanh tra phải có bản lĩnh vững vàng, có giải pháp đồng bộ, tiến hành quyết liệt hơn, để tạo được chuyển biến rõ rệt, ngăn chặn, đẩy lùi được “quốc nạn” này, Chủ tịch nước yêu cầu ngành Thanh tra phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc hướng dẫn, đôn đốc, triển khai các biện pháp phòng ngừa. Cùng với việc phòng ngừa phải đẩy mạnh phát hiện tham nhũng, phải có nhiều kênh, nhiều cách để tiếp nhận thông tin phát hiện, tố cáo tham nhũng.
“Khi phát hiện phải xem xét, xử lý kịp thời, công tâm, khách quan, đúng pháp luật, không có bất kỳ vùng cấm nào. Khi có dấu hiệu phạm tội phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra và phải kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng”, Chủ tịch nước lưu ý.
Đặc biệt, cần nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, thanh tra viên, bảo đảm thật sự trong sạch, có bản lĩnh, có dũng khí, vì lợi ích của chế độ, của nhân dân theo đúng như lời Bác Hồ dạy: “Thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng ngành Thanh tra Việt Nam Huân chương Độc lập hạng Nhất. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng các danh hiệu khen thưởng cấp Nhà nước cho các đồng chí lãnh đạo cơ quan Thanh tra Chính phủ vì những thành tích xuất sắc trong công tác, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của đất nước và của ngành Thanh tra.
Theo báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2011-2015) của Thanh tra Chính phủ, trong 5 năm qua, toàn ngành Thanh tra đã triển khai trên 37.390 cuộc thanh tra hành chính và trên 783.200 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế với số tiền là 208.540 tỷ đồng, trong đó đã kiến nghị thu hồi gần 119.400 tỷ đồng và 19.230 ha đất, lập biên bản, ban hành 945.900 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 29.300 tỷ đồng, xử lý khác hơn 59.840 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật 6.460 tập thể, 22.700 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 297 vụ, 355 người.
Trong 5 năm, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng qua hoạt động thanh tra có chuyển biến tích cực, đã phát hiện 441 vụ (tăng 212 vụ so với nhiệm kỳ trước), 692 người có dấu hiệu tham nhũng với 769 tỷ đồng, 10 ha đất; kiến nghị thu hồi 745 tỷ đồng (tăng 637 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước); kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 596 cá nhân, xử lý trách nhiệm 157 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 162 vụ, 272 đối tượng.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam